Bài 7: BẢY NĂM ĐẠI NẠN
Cơn Đại nạn (The Tribulation)
***Cơn Đại nạn (The Tribulation) là gì?
Biến cố chính thứ tư sẽ xảy đến trong tương lai là Cơn Đại nạn (The Tribulation). Cơn đại nạn còn gọi là Bảy Năm Đại Nạn vì sẽ kéo dài 7 năm, bắt đầu từ ngày Hội Thánh được cất lên trời cho đến ngày Đức Chúa Jesus giáng lâm trên đất để đánh tan binh lực của Antichrist, xiềng Satan lại, và thiết lập Nước Thiên Hy Niên. Như vậy, trong khi trên trời có sự ban thưởng cho các Thánh đồ và Tiệc Cưới Chiên Con thì dưới đất có Cơn Đại nạn.
Kỳ Đại Nạn còn được Kinh Thánh gọi là “Ngày của Đức Giê-hô-va”, hay “Ngày của Chúa” (Ê-sai 2:12, 13:6-9; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2) “Ngày Cuối cùng” (Phục Truyền 4:30) “Ngày lớn”, “Ngày Tế lễ của Đức Giê-hô-va”, “Ngày Thạnh nộ”, “Ngày hoạn nạn và Buồn rầu” (Sô-phô-ni 1:14; 1:8; 1:15; Đa-ni-ên 12:1), hay “Kỳ Tai hại của Gia-cốp” (Giê-rê-mi 30:7).
Các nhà Thần học căn cứ vào lời tiên tri và sự mô tả của Kinh Thánh mà chia thời gian nầy ra làm hai phần ba năm rưỡi đầu và ba năm rưỡi sau.
***Cựu ước tiên tri thế nào về Cơn Đại Nạn?
Kinh Thánh Cựu và Tân Ước đã có nhiều lời tiên tri về Cơn Đại Nạn. Ở đây chỉ ghi ra một ít lời tiên tri tiêu biểu:
(1). Giê-rê-mi 30:7: “Khốn thay! Ngày đó thật lớn, đến nỗi chẳng hề có ngày nào giống như vậy. Ấy là kỳ tai hại của Gia-cốp! Nhưng nó sẽ được cứu thoát khỏi sự ấy.”
(2). Đa-ni-ên 12:1: Trong kỳ đó, Mi-ca-ên, quan trưởng lớn, là đấng đứng thay mặt con cái dân ngươi sẽ chổi dậy. Lúc đó sẽ có tai nạn, đến nỗi từ khi mới có nước đến kỳ đó cũng chẳng có như vậy bao giờ. Bấy giờ, trong vòng dân sự ngươi, kẻ nào được ghi trong quyển sách kia thì sẽ được cứu.”
(3). Giô-ên 2:1-2: “Hãy thổi kèn trong Si-ôn; hãy thổi vang ra trên núi thánh ta! Hết thảy dân cư trong đất khá đều run rẩy! Vì ngày của Đức Giê-hô-va đến, ngày ấy đã gần: tức là ngày mờ mịt và tối tăm, ngày của mây và sương mù. Có một dân lớn và mạnh đến như ánh sáng sớm mai giãi ra trên núi, đến nỗi từ trước chưa hề có, mà về sau nầy, về muôn đời sau nầy cũng sẽ không có như vậy nữa.”
Đức Chúa Jesus Christ phán thế nào về Cơn Đại Nạn?
“Vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa. Nếu những ngày ấy không giảm bớt, thì chẳng có một người nào được cứu; song vì cớ các ngươi được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm bớt.” [Ma-thi-ơ 24:21-22]
Những lời tiên tri trên đều có một điểm chung về ngày ấy, đó là một ngày tai họa, “vô tiền khoáng hậu”, nghĩa là trước chưa hề có mà về sau cũng sẽ không bao giờ có. Tuy nhiên những lời trên cũng cho thấy rằng cơn hoạn nạn khủng khiếp trong lịch sử loài người nầy sẽ xảy ra trong một giai đoạn không dài, khoảng trong một “ngày” của tuần lễ, tức là vào một năm cuối cùng của Bảy Năm Đại Nạn.
Căn cứ vào đâu chúng ta biết Cơn Đại Nạn sẽ kéo dài 7 năm?
Chúng ta biết được Cơn Đại Nạn sẽ kéo dài 7 năm, và gọi “Cơn Đại Nạn” là “Bảy Năm Đại Nạn” là nhờ đọc lời của Đức Chúa Trời trong Sách Đa-ni-ên 9:20-27. Sách Đa-ni-ên 9:20-27 chép:
“Ta còn đang nói và cầu nguyện,… nầy, Gáp-ri-ên, người mà ta đã thấy trong sự hiện thấy lúc đầu tiên, được sai bay mau đến đụng ta độ lúc dâng lễ chiều hôm. Người dạy dỗ ta và nói cùng ta rằng: Hỡi Đa-ni-ên…ta đến để tỏ lời đó cho ngươi, vì ngươi đã được yêu quí lắm. Vậy hãy suy nghĩ sự đó và hãy hiểu biết sự hiện thấy. Có bảy mươi tuần lễ định trên dân ngươi và thành thánh ngươi, đặng ngăn sự phạm phép, trừ tội lỗi, làm sạch sự gian ác, và đem sự công bình đời đời vào, đặng đặt ấn tín nơi sự hiện thấy và lời tiên tri, và xức dầu cho Đấng rất thánh. Ngươi khá biết và hiểu rằng từ khi ra lịnh tu bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem, cho đến Đấng chịu xức dầu, tức là vua, thì được bảy tuần lễ và sáu mươi hai tuần lễ; thành đó sẽ được xây lại, có đường phố và hào, trong kỳ khó khăn. Sau sáu mươi hai tuần lễ đó, Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi, và sẽ không có chi hết. Có dân của vua hầu đến sẽ hủy phá thành và nơi thánh; cuối cùng nó sẽ như bị nước lụt ngập, có sự tranh chiến cho đến cuối cùng; những sự hoang vu đã định. Người sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ, và đến giữa tuần ấy, người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi. Kẻ hủy phá sẽ đến bởi cánh gớm ghiếc, và sẽ có sự giận dữ đổ trên nơi bị hoang vu, cho đến kỳ sau rốt, là kỳ đã định.”
Có bảy mươi tuần lễ, tức là (70 x 7 = 490) năm từ khi “ra lịnh tu bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem” cho đến khi bắt đầu Thiên Hy Niên là lúc “ngăn sự phạm phép, trừ tội lỗi, làm sạch sự gian ác, và đem sự công bình đời đời vào, đặng đặt ấn tín nơi sự hiện thấy và lời tiên tri, và xức dầu cho Đấng rất thánh”
Nhưng 490 năm nầy không phải là 490 năm liền một mạch mà có một khoảng cách ở giữa không biết là bao nhiêu năm.
Trước hết chúng ta có (7+62) = 69 tuần lễ tức là (69 x 7) = 483 năm kể từ khi “ra lịnh tu bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem” cho đến khi “Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi”* tức là khi Đức Chúa Jesus chịu chết. Việc nầy đã xảy ra và đã ứng nghiệm rồi. Và rồi thì “sẽ không có chi hết” “cho đến cuối cùng những sự hoang vu đã định” (câu 26). Đây là một khoảng yên lặng, kéo dài không biết bao nhiêu năm.
Cho đến khi “Người sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ, và đến giữa tuần ấy, người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi. Kẻ hủy phá sẽ đến bởi cánh gớm ghiếc, và sẽ có sự giận dữ đổ trên nơi bị hoang vu, cho đến kỳ sau rốt, là kỳ đã định.”
*“một tuần lễ” ở đây tức là Bảy Năm Đại Nạn. *Bản NIV: “After the sixty-two ‘sevens,’ the Anointed One will be put to death and will have nothing”
***Sách Khải Huyền mô tả diễn biến các sự kiện trong Bảy Năm Đại Nạn như thế nào?
Sách Khải Huyền khải thị về Cơn Đại nạn bằng 7 ấn, 7 loa và 7 bát như dưới đây:
Trong 3½ năm đầu sẽ có 7 ấn được mở ra và đó là những sự kiện như sau đây:
7 Ấn
(1). Ấn thứ 1, Con ngựa bạch: Antichrist sẽ dấy lên và cai trị toàn thế gian [Khải-huyền 6:1-2],
(2). Ấn thứ 2, Con ngựa hồng: Chiến tranh nổ ra [Khải Huyền 6:3-4],
(3). Ấn thứ 3, Con ngựa ô: Đói kém khắp nơi trên đất [Khải Huyền 6: 5-6],
(4). Ấn thứ 4, Con ngựa vàng vàng: Sự chết đến và âm phủ theo sau [Khải Huyền 6:7-8],
(5). Ấn thứ 5, Những linh hồn dưới bàn thờ: Sự kêu báo thù của các Thánh [Khải Huyền 6:9-11],
(6). Ấn thứ 6, Động đất lớn: Trời đất đảo điên và bị tàn phá [Khải Huyền 6:12-17]
(7). Ấn thứ 7, Bảy Thiên sứ nhận 7 ống loa: Để sẽ loan báo một loạt đoán phạt mới [Khải Huyền 8:1-2].
Trong 3½ năm sau, sẽ có 7 loa được thổi lên, 7 bát được trút xuống được tóm tắt như sau:
7 Loa
(1). Loa thứ 1: Mưa đá và lửa pha với huyết bị quăng xuống đất. Một phần ba đất, cây xanh, cỏ xanh bị cháy. [Khải-huyền 8:7]
2). Loa thứ 2: Một khối tựa như hòn núi lớn toàn bằng lửa bị ném xuống biển. Một phần ba biển biến ra huyết, [Khải-huyền 8:8]
(3). Loa thứ 3: Một ngôi sao lớn ở trên trời rơi xuống, cháy có ngọn như một bó đuốc; một phần ba nước biến ra như mùi ngải cứu, và làm chết mất nhiều người. [Khải-huyền 8:10-11]
(4). Loa thứ tư: Một phần ba mặt trời, một phần ba mặt trăng và một phần ba các ngôi sao bị tối tăm, ban ngày mất một phần ba sáng, và ban đêm cũng vậy. [Khải-huyền 8:12]
(5). Loa thứ 5: Một ngôi sao từ trời rơi xuống đất, mở vực sâu không đáy ra, có một luồng khói dưới vực bay lên, từ luồng khói ấy, có những châu chấu bay ra có quyền giống như bọ cạp ở đất vậy. [Khải-huyền 9:1-3]
(6). Loa thứ 6: Đạo quân là hai trăm triệu lâm chiến, một phần ba loài người bị giết vì lửa, khói, và diêm sinh ra từ miệng ngựa, song số còn lại vẫn cứ thờ lạy ma quỉ, và cứ sống ô uế [Khải-huyền 9:13-21]
(7). Loa thứ 7: Có những tiếng lớn vang ra trên trời về Vương Quốc của Đấng Christ và về sự ban thưởng và thạnh nộ hầu đến. Rồi có chớp nhoáng, tiếng, sấm sét, động đất và mưa đá lớn. [Khải-huyền 11:15-19].
7 Bát
1). Bát thứ nhất: Vị thiên sứ thứ nhất đi trút bát mình xuống đất, thì trở nên ghẻ chốc dữ và đau trên những người có dấu con thú cùng thờ lạy hình tượng nó. [Khải-huyền 16:2]
(2). Bát thứ hai: Vị thiên sứ thứ hai, trút bát mình xuống biển, thì biển biến ra huyết, như huyết người chết; phàm sanh vật ở trong biển đều chết hết. [Khải-huyền 16:3]
(3). Bát thứ ba: “Vì thiên sứ thứ ba trút bát mình xuống các sông cùng các suối nước, thì nước biến ra huyết. [Khải-huyền 16:4-7]
(4). Bát thứ tư: “Vị thiên sứ thứ tư trút bát mình trên mặt trời. Loài người bị lửa rất nóng làm sém, song vẫn nói phạm đến danh Đức Chúa Trời là Đấng có quyền trên các tai nạn ấy, và chúng nó cũng không ăn năn để dâng vinh hiển cho Ngài.” [Khải-huyền 16:8-9]
(5). Bát thứ năm: Vị thiên sứ thứ năm trút bát mình trên ngôi con thú, nước của nó bèn trở nên tối tăm, người ta đều cắn lưỡi vì đau đớn. Chúng nó nói phạm đến Đức Chúa Trời trên trời vì cớ đau đớn và ghẻ chốc mình, và cũng không ăn năn công việc mình. [Khải-huyền 16:10-11]
(6). Bát thứ sáu: Vị thiên sứ thứ sáu trút bát mình xuống sông cái Ơ-phơ-rát; sông liền cạn khô, đặng sửa soạn cho các vua từ Đông phương đến có lối đi đến chiến trận Ha-ma-ghê-đôn.” [Khải-huyền 16:12-16]
(7). Bát thứ 7: Vị thiên sứ thứ bảy trút bát mình trong không khí, động đất dữ dội. Các thành của các dân ngoại đều đổ xuống, và Đức Chúa Trời nhớ đến Ba-by-lôn lớn đặng cho nó uống chén rượu thạnh nộ Ngài. [Khải-huyền 16:17-21]