CÁC QUAN ĐIỂM VỀ CỨU CHÚA TÁI LÂM

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

Bài đọc thêm


CÁC QUAN ĐIỂM VỀ CỨU CHÚA TÁI LÂM

 

*** Đức Chúa Jesus Christ tái lâm mấy lần và có bao nhiêu thuyết về Cứu Chúa tái lâm?

Thuyết Tiền Đại Nạn, Trung Đại Nạn, Tiền Thạnh Nộ, hay Hậu Đại Nạn, đều kết luận là Đức Chúa Jesus Christ tái lâm hai lần.

1. Lần thứ nhất, giữa đám mây, tại nơi không trung (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16) để tiếp rước Hội Thánh lên trời (Rapture).
2. Lần thứ hai, đến tận mặt đất, để đánh tan đại binh của Antichrist, giải cứu Dân Israel, Tín đồ Đấng Christ ra khỏi Cơn Đại Nạn, cùng kêu các Thánh đồ thời Cựu Ước cùng các Thánh Tử Đạo trong Bảy Năm Đại Nạn sống lại, để đưa tất cả những người nầy đều cùng vào sống trong Vương Quốc Thiên Hy Niên với Ngài.

Một số nhà Thần học gọi Sự Tái Lâm Lần Thứ Nhất là “Sự Tái Lâm Ẩn Nhiên”. Tên gọi nầy có lẽ chưa chưa hoàn toàn chính xác, bởi vì “ẩn” là kín dấu, mà khi Chúa Tái lâm lần nầy, tuy là ở “giữa đám mây, tại nơi không trung”, mắt nhân loại trên đất không thấy được, nhưng “sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống;” [1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16], thì không thể là “ẩn” được.

Sự Tái Lâm lần thứ hai còn gọi là “Sự Tái Lâm Hiển Nhiên” được Kinh Thánh chép rõ:

“Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống.” [Ma-thi-ơ 24:30]

“Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cùng trông thấy; hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài. Quả thật vậy. A-men!” [Khải-huyền 1:7]

 

*** Có bao nhiêu thuyết về Vương Quốc Thiên Hy Niên?

Về thời điểm Đức Chúa Jesus Christ tái lâm so với Vương Quốc Thiên Hy Niên, Thần học có bốn quan điểm hay bốn “thuyết” như sau:

(1). Quan điểm “Tiền Thiên Hy Niên” (The Pre-millennium View) hay Thuyết “Tiền Thiên Hy Niên” (Premillennialism),
(2). Quan điểm “Hậu Thiên Hy Niên” (The Post-millennium View) hay Thuyết “Hậu Thiên Hy Niên” (Postmillennialism),
(3). Quan điểm “Vô Thiên Hy Niên” (The Amillennial View) hay Thuyết Vô Thiên Hy Niên (Amillennialism).
(4). Quan điểm “Đã Ứng Nghiệm” (The Preterist View) hay Thuyết “Đã Ứng Nghiệm” (Preterism).

 

*** “Tiền Thiên Hy Niên” (Premillennialism) là thuyết gì?

Thuyết “Tiền Thiên Hy Niên” (Premillennialism) là quan điểm cho rằng Sự Tái Lâm của Đức Chúa Jesus Christ sẽ xảy ra trước thời kỳ “Thiên Hy Niên”, Kinh Thánh Việt ngữ gọi là “Một Ngàn Năm Bình An”. Quan điểm “Tiền Thiên Hy Niên” dựa trên cách giải thích theo nghĩa đen Khải huyền 20:1-6, trong đó mô tả Đức Chúa Jesus Christ sẽ làm vua thật sự trị vì trên đất cùng với các thánh của Ngài trong Nước “Thiên Hy Niên” tức Nước “Một Ngàn Năm Bình An”.
Trong 300 năm đầu tiên của Hội Thánh Tân Ước, hầu như tất cả các Giáo phụ đều tin và xem Tiền Thiên Hy Niên là giáo thuyết chính thống của Giáo hội.
Nhưng sang đến thế kỷ thứ 4, bắt đầu từ Giáo phụ Augustine, Giáo hội nghiêng về Thuyết Hậu Thiên Hy Niên (Postmillennialism). Từ đó, Thuyết “Tiền Thiên Hy Niên” bị quên lãng trong Hội thánh trong suốt Thời Trung cổ cho đến Thời cận đại.
Tuy nhiên, bắt đầu từ Thế kỷ 20, giữa các hệ phái Tin lành Chính thống (Nền tảng và Bảo thủ) tại Hoa kỳ, niềm tin “Tiền Thiên Hy Niên” đã được phục hồi trở lại. Tài liệu thần học nầy sẽ trình bày Lai Thế Học theo quan điểm “Tiền Thiên Hy Niên”.

 

*** Thuyết Hậu Thiên Hy Niên là thuyết gì?

Thuyết Hậu Thiên Hy Niên (Postmillennialism) là quan điểm cho rằng Sự Tái Lâm của Đức Chúa Jesus Christ sẽ xảy ra sau “Thiên Hy Niên,” tức sau thời kỳ “Một Ngàn Năm Bình An”. Những người theo thuyết “Hậu Thiên Hy Niên” cho rằng “Nước Một Ngàn Năm Bình An” không nên hiểu theo nghĩa đen, mà chỉ là tượng trưng cho một khoảng thời gian dài hàng ngàn năm, bắt đầu từ thời điểm Đức Chúa Jesus Christ giáng sanh (Lu-ca đoạn 2), hay từ ngày Đức Thánh Linh giáng lâm (Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 2) cho đến ngày Hội Thánh được cất lên trời. Trong suốt thời gian đó, Thần học gọi là “Thời Kỳ Hội Thánh,” thế giới sẽ được Cơ đốc hóa nhờ “Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân” [Ma-thi-ơ 24:14], “thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che lấp biển” [Ê-sai 11:9]. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.

Theo thuyết Hậu Thiên Hy Niên, “Thời Kỳ Hội Thánh,” chính là giai đọan “một ngàn năm bình an” mà Khải Huyền 20:1-6 đã đề cập. Đấng Christ cai trị cách thuộc linh Nước Ngài trên đất. Sau đó, Ngài sẽ tái lâm khi thế giới kết thúc thời kỳ dài của “ngàn năm bình an”. Chính vì thế, thuyết nầy được gọi là Hậu Thiên Hy Niên. Do ảnh hưởng của Augustine, Giáo hội Công giáo, cùng phần lớn các nhà Thần học Trung cổ và Cận đại như Martin Luther, Jean Calvin, John Bunyan (1628-1688), tác giả của cuốn Thiên lộ Lịch trình, Jonathan Edwards (1703-1758), Charles Finney (1792-1875) tin theo thuyết nầy.

Các nhà thần học theo thuyết nầy tin rằng, thế giới nhờ ảnh hưởng Tin lành sẽ trở nên tốt hơn về đạo đức, thạnh vượng hơn trong đời sống vật chất, trở thành một “Nước Thiên Đàng” hay “Thiên Hy Niên” trên trần gian, theo như lời cầu nguyện “Nước Cha được đến, Ý Cha được nên, ở đất như trời” trong Ma-thi-ơ 6:10.
Sau nầy, một số nhà “Tin lành Xã hội”, cũng tin theo Hậu Thiên Hy Niên vì cho rằng “Một Ngàn Năm Bình An” trong Kinh Thánh thật ra là để chỉ cho, và tượng trưng cho, một thế giới ấm no, hạnh phúc, một xã hội yêu thương, công bình như một “Thiên đàng trên đất” nhờ sự tiến bộ vượt bực của khoa học, kỹ thuật, cũng như về giáo dục, mang đến cho.

 

***. Thuyết Vô Thiên Hy Niên (Amillennialism) là thuyết gì?

Thuyết Vô Thiên Hy Niên (Amillennialism) là thuyết cho rằng “Thiên Hy Niên” hay “Một Ngàn Năm Bình An” trong Khải Huyền 20:1-6 mang ý nghĩa hình bóng. “Một Ngàn Năm Bình An,” hoặc chỉ về sự trị vì thuộc linh của Đức Chúa Jesus Christ trên Hội thánh của Ngài trong thế gian nầy, suốt “Thời kỳ Hội Thánh trên đất, hoặc sự trị vì của Ngài trên Hội Thánh trên trời, trước khi Ngài trở lại.
Giữa “Vô Thiên Hy Niên” và “Hậu Thiên Hy Niên” thật ra không có một biên giới rõ ràng. Vì vậy, một số người xem Giáo phụ Augustine (và các nhà Thần học Thời Trung cổ và Cận đại) là theo “Hậu Thiên Hy Niên”. Một số khác cho rằng Giáo phụ Augustine theo Thuyết “Vô Thiên Hy Niên”.

 

****Tại sao các nhà Thần học của Hội Thánh ngày xưa đã chuyển hướng từ “Tiền Thiên Hy Niên” sang “Hậu” hay “Vô Thiên Hy Niên”?

 

Hội thánh Cơ-đốc đầu tiên không theo “Hậu Thiên Hy Niên” hay “Vô Thiên Hy Niên”. Nguyên do Hội thánh bấy giờ đang bị khổ nạn, bắt bớ, không thể gọi là “Nước Ngàn Năm Bình An” được. Nhưng kể từ thế kỷ thứ 4, khi Hội thánh bắt đầu được nhiều quyền hành và vinh quang trần gian, thì các nhà Thần học như Giáo phụ Augustine bắt đầu xướng lên ý niệm nầy*, cho rằng Khải Huyền 20:1-6, nói về thời kỳ Hội thánh Khải hoàn. Về sau, những giáo hội vốn đề cao Hội thánh Khải hoàn trên đất (Église triomphante) như Công giáo La-mã, Chánh thống giáo Đông phương, Anh giáo, Lutheran, một số nhóm nhỏ Mennonite Bảo thủ, Dân Amish… tin theo ý niệm nầy như một loại Hậu Thiên Hy Niên (Postmillennialism), vì cho rằng Hội thánh trên đất cũng chính là Nước Thiên Đàng hay Nước Chúa trên mặt đất.
Để hiểu rõ vấn đề nầy, chúng ta cần nhớ rằng Công giáo chế ngự Âu châu suốt hàng ngàn năm trong Thời Trung cổ.
Trong suốt hàng ngàn năm, cả Âu châu, từ đời nầy qua đời kia, người ta sinh ra, lớn lên, học hành, sống và chết trong một xã hội Công giáo. Công giáo chiếm lĩnh, toàn trị, và bao trùm mọi phương diện của đời sống cá nhân, mọi lãnh vực của đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, giáo dục, tín ngưỡng, hình thành và quy định tất cả mọi mối quan hệ của con người.
Đạo Công giáo là đạo chung của loài người (chữ Catholic bắt nguồn từ chữ καθολικός (katholikos) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "phổ quát", là chung). Về tín ngưỡng (lẫn mặt đời), Giáo hoàng là người thay mặt Đức Chúa Jesus (Vicar of Christ), là Thủ lãnh tối cao của Giáo Hội hoàn vũ (Supreme Pontiff of the Universal Church) để chăn nuôi con dân Ngài trong cả nhân loại. Người dân thường ở Âu châu không thể nghĩ ra có một nơi nào mà Giáo hoàng không cai trị, trừ ra ở những góc đất xa xôi của những dân man di mọi rợ chưa được ánh sáng của đạo Công giáo soi tới.
Về chính trị, Giáo hoàng là vị vua thực sự tại Châu Âu. Giáo hoàng tấn phong và phế truất các vua. Sắc chỉ Giáo hoàng của Giáo hoàng Gregory năm 1075 cho phép mọi thần dân của Giáo hội được quyền không vâng phục bất cứ vị vua nào mà Giáo hoàng cho là xấu xa. Hể có vua chúa nào không vâng phục, thì Giáo hoàng giao cho Trưởng nam của Giáo hội là Tây ban nha, và trưởng nữ của Giáo hội là Pháp quốc, lo việc chinh phạt và xử lý.
Giáo hội và giáo quyền hiện diện trên mọi phương diện của đời sống. Nhà thờ, tu viện, đền các, lâu đài của Giáo hội hiện diện khắp mọi nơi. Các chức sắc, tu sĩ, hiệp sĩ là thành phần được xã hội vô cùng trọng vọng. Các nhà Thần học, các Giáo sư chủng viện suốt đời sống trong cái thế giới giống như cái thế giới mà có thể gọi là “Vương Quốc Thiên Hy Niên”, Nước Chúa trên đất, mà trong đó Giáo hoàng, người thay mặt Đức Chúa Trời và các Tôi tớ người cai trị**.
“Nước Chúa trên đất” nầy sẽ chấm dứt khi Đức Chúa Jesus tái lâm để cất Hội thánh lên trời. Và đó là nội dung của Thuyết “Hậu Thiên Hy Niên”, hay “Vô Thiên Hy Niên”.
*Về Lai Thế Học, Augustine có một điểm hơi bất nhất: Trong khi những sự kiện như Sự Tái Lâm của Đấng Christ, và những thực thể như Thiên Đường và địa ngục thì ông hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen, còn Thiên Hy Niên thì ông hiểu theo nghĩa bóng. Do đó, về Nước Thiên Hy Niên trong Khải huyền 20:1-6, thì ông cho rằng đó là sự mô tả về sự cai trị thuộc linh của việc Đấng Christ trên Hội Thánh Ngài qua Hội thánh.
**Chúng ta cũng cần nên nhớ rằng các nhà Thần học theo học thuyết Hậu Thiên Hy Niên chính là những tu sĩ người Ý, trong đó có Joachim of Fiore (1135-1202), một nhà Thần học đã sáng lập dòng tu San Giovanni in Fiore, một người suốt đời sống trong sự trọng vọng của thời đại, từ Giáo hoàng cho đến các vua chúa, y như là đang được sống trong Vương Quốc Thiên Hy Niên vậy.

 

****Tại sao các nhà Cải chánh và các nhà Thần học Thanh giáo cũng tin vào “Hậu Thiên Hy Niên”?

(1). Các nhà Cải chánh thừa kế Thần học Augustine. Và với niềm tin mãnh liệt vào quyền năng thay đổi xã hội của Tin lành, họ đã không ngừng cố gắng để xây dựng một nền văn minh Tin lành, trong đó có sự an bình, lành mạnh và thạnh vượng kéo dài từ Thụy sĩ, Hòa lan, Đức, Áo, lên tới toàn bộ Bắc Âu. Họ cho rằng đó là khởi sơ của “Vương Quốc Thiên Hy Niên” trên đất.
(2). Cũng giống như vậy, các nhà Thanh giáo vốn theo Thần học Calvin, cũng đã mang một niềm mơ của Calvin, rồi đây sẽ xây dựng được tại Vùng New England một một xã hội do Đức Chúa Trời cai trị, tin kính, lành mạnh, phú cường, bình an, hạnh phúc, mà Khải Huyền 19:1-6 đã mô tả, một cách thuộc linh.
Để hiểu rõ hơn về việc Thần học Calvin liên quan như thế nào đến một xã hội thịnh vượng, chúng ta nên đọc các tác phẩm của nhà Xã hội học hàng đầu của thế kỷ 20, đặc biệt là quyển “The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism” (L'Éthique protestante et l'Esprit du capitalisme).

 

*** Còn các nhà Thần học Xã hội thì sao?

Các nhà Thần học Xã hội có 3 niềm tin:
(1). Niềm tin về Kinh Thánh: Các nhà Thần học Xã hội tin rằng Kinh Thánh là một tác phẩm “cổ điển” về đạo đức và giáo dục. Các câu chuyện trong Kinh Thánh là những câu chuyện ngụ ngôn răn đời rất tốt. Và Khải Huyền 19:1-6 dạy về “Vương Quốc Thiên Hy Niên” là một trong các câu chuyện đó.
(2). Niềm tin vào Khoa học: Các nhà Thần học Xã hội tin rằng bằng sức “toàn năng” và “vô biên” của Khoa học, rồi đây Khoa học sẽ “làm phép lạ”, và máy móc kỹ thuật cao sẽ “vào đời”, để để cứu rỗi nhân loại khỏi cảnh cơ hàn, khốn khổ của chốn địa ngục trần gian.
(3). Niềm tin vào giáo dục: Các nhà Thần học Xã hội tin rằng Giáo dục có khả năng “tái sanh” lòng người. Bằng Giáo dục, tội lỗi của nhân loại sẽ được “rửa sạch”.
Như thế, với Khoa học và Giáo dục, Vương Quốc “Thiên Hy Niên” mà Kinh Thánh nói đến rồi đây sẽ được thành lập trên đất. Rồi tiếp đến, sau “Thiên Hy Niên” sẽ là “Thiên đường Trần gian”.

 

**** Lý do tại sao ngày nay niềm tin vào Thuyết “Tiền Thiên Hy Niên” lại được khôi phục?

Niềm tin “Hậu Thiên Hy Niên” cứ được vững vàng cho đến đầu thế kỷ 20. Biến cố Đệ nhất Thế chiến và là Đệ nhị Thế chiến, cùng với sự bại hoại về đạo đức song song với các tiến bộ về khoa học, đã khiến các nhà Thần học nhận ra:
(1). Bất chấp mọi nỗ lực truyền giáo, phấn hưng, Tin lành sẽ chẳng bao giờ chinh phục được toàn thể nhân loại. Trái lại, đúng như lời Đức Chúa Jesus Christ phán, “Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng?” [Lu-ca 18:8].
(2). Hội thánh trên mặt đất, trừ một thời gian ngắn ngủi ban đầu tại thành Giê-ru-sa-lem, đã và sẽ chẳng bao giờ giao quyền cai trị tuyệt đối cho Đức Chúa Jesus Christ, và thuận phục Ngài trọn vẹn như trong “Nước Một Ngàn Năm Bình An”.
(3). Bất chấp mọi tiến bộ khoa học, kỹ thuật không ngừng phát triển, giáo dục, tri thức không ngừng nâng cao, thế giới càng ngày càng tiến gần đến “Bảy Năm Đại Nạn,” chớ không phải trong thời kỳ Một Ngàn Năm Bình An.
(4). Ngoài Đức Chúa Jesus Christ “là Vua Của Các Vua Và Chúa Của Các Chúa” [Khải-huyền 19:16] ra, không một lãnh tụ Giáo hội hay vĩ nhân nào lại có thể thiết lập và đủ khả năng trị vì “Vương Quốc Thiên Hy Niên”.

 

**** Thuyết “Đã Ứng Nghiệm” (Preterism) là thuyết gì?

Chữ Preterism trong tiếng Anh đến từ chữ praeter trong tiếng La-tinh, có nghĩa là “đã qua”. Thuyết “Đã Ứng Nghiệm” (Preterism) là thuyết cho rằng tất cả hay hầu hết những lời tiên tri trong Kinh Thánh đã được ứng nghiệm trong lịch sử Dân Israel, lịch sử Hội Thánh, và lịch sử nhân loại.
Thuyết “Đã Ứng Nghiệm” (Preterism) cũng được chia thành hai nhóm với hai chủ trương: Nhóm thứ nhất là chủ trương thuyết “Đã ứng nghiệm Hoàn toàn” (Full Preterism) và nhóm thứ hai chủ trương thuyết “Đã Ứng nghiệm Một phần” (Partial Preterism). Thuyết “Đã ứng nghiệm Hoàn toàn” phổ biến hơn.

 

**** Thuyết Đã Ứng Nghiệm nói gì về những lời tiên tri trong Đa-ni-ên và Khải Huyền?

Thuyết “Đã Ứng Nghiệm Hoàn Toàn” xem những lời tiên tri trong Đa-ni-ên là đã ứng nghiệm 700 năm sau đó, tức là đã ứng nghiệm trọn vẹn và chấm dứt vào đầu Kỷ nguyên Cơ đốc. Thuyết “Đã Ứng nghiệm Hoàn toàn” cũng coi Khải huyền tượng trưng cho những cuộc xung đột trong thế kỷ thứ nhất, mà cao điểm “Cơn Đại Nạn” chính là cuộc tấn công hủy diệt Thành Jerusalem vào năm 71AD của Tướng Titus, tiếp theo sự bách hại tàn khốc của La-mã Đế quốc trên dân Do Thái.

 

***Thuyết Đã Ứng Nghiệm nói gì về sự kiện Chúa Tái Lâm?

Thuyết “Đã Ứng Nghiệm” dạy rằng Sự Tái Lâm của Đức Chúa Jesus là sự đến có tính cách thuộc linh, để giải cứu Dân Y-sơ-ra-ên, nay đã được thay thế bằng Hội Thánh. Thuyết đặc biệt nhấn mạnh về Vương Quốc Thiên Hy Niên mà họ xem chính là thế giới dưới sự cai trị thuộc linh của Đức Chúa Jesus Christ, thông qua Giáo hội Công giáo và các Giáo hoàng. Con số 1000 năm tượng trưng cho một thời kỳ lâu dài không biết là bao nhiêu năm.

 

***Thuyết Đã Ứng Nghiệm nói gì về các Giao Ước và Vương Quốc Thiên Hy Niên?

Thuyết “Đã Ứng Nghiệm” dạy rằng Luật pháp đã được hoàn thành. Giao ước của Đức Chúa Trời với Y-sơ-ra-ên đã kết thúc, và Giao ước ấy được trao qua cho Hội Thánh, là Dân Thánh của Ngài. Thời kỳ “Một Ngàn Năm Bình An” là thời kỳ Hội Thánh (Công giáo) cai trị, còn “Trời mới và đất mới” được nói đến trong Khải Huyền 21:1, là thế giới Cơ-đốc giáo theo Giao ước Mới. Giống y như một Cơ đốc nhân là người được “dựng nên mới” (2 Cô-rinh-tô 5:17) một cách thuộc linh, “Trời mới và đất mới” là Hội Thánh, là hội bao gồm các Cơ-đốc nhân, cũng mang tính thuộc linh y hệt như vậy.

Để bảo vệ cho lập luận, những người theo thuyết “Đã Ứng Nghiệm” thường dùng một câu trong Bài giảng trên Núi Ô-li-ve của Đức Chúa Jesus trong Sách Ma-thi-ơ đoạn 24: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, dòng dõi nầy chẳng qua trước khi điều kia chưa xảy đến.” [Ma-thi-ơ 24:34]. Họ nói rằng khi Đức Chúa Jesus dùng chữ “dòng dõi” (Bản 2011 dịch là “thế hệ), Ngài đã có ý chỉ cho những nghe trong chính thế hệ của họ, tức là chỉ trong thế kỷ Thứ nhất.

 

****Thuyết Đã Ứng Nghiệm đúng sai như thế nào?

Thuyết “Đã Ứng Nghiệm” sai lầm một cách khá hiển nhiên, bởi vì trong Kinh Thánh Tân Ước, các tác phẩm của Giăng, như Tin lành Giăng, các Thư tín Giăng 1, 2, 3, đều viết sau năm 81AD, nghĩa là sau biến cố Jerusalem (68-71AD) đến hơn 10 năm. Riêng Khải Huyền còn được viết sau biến cố nầy đến gần 20 năm. Tất cả đều hướng về Sự Cất Lên và Cứu Chúa Tái Lâm như là sự kiện tương lai, chớ không phải như những sự kiện đã ứng nghiệm.*
Đặc biệt, sự phục hồi Nước Israel hiện đại vào năm 1948 đã đánh tan hết cả các lập luận “hình bóng” của thuyết nầy.
* Đặc biệt, các nhà Thần học Thiên định Phân kỳ, là những người chống lại Thuyết Thay thế (là thuyết cho rằng Hội Thánh Cơ-đốc đã thay thế Dân Y-sơ-ra-ên trong việc nhận lãnh các Lời hứa của Đức Chúa Trời, cũng như thay thế Dân Y-sơ-ra-ên trong các vai trò lịch sử cụ thể) đã bác bỏ mạnh Thuyết “Đã Ứng Nghiệm” khi thuyết nầy cho rằng những lời hứa, Giao ước, của Đức Chúa Trời đối với Tuyển dân Y-sơ-ra-ên đã kết thúc vào năm 71AD. Trong Giê-rê-mi 31:33-36, Đức Chúa Trời tuyên bố rằng Giao ước phục hồi Dân Y-sơ-ra-ên của Ngài là giao ước đời đời.
*Tuy nhiên, để có thể hiểu được các lập luận của Thuyết “Đã Ứng Nghiệm”, chúng ta cần biết đến bối cảnh và mục đích ra đời của nó. Sau khi Cuộc Cải Chánh được tiến hành ít lâu, Giáo hội Công giáo bắt đầu bắt bớ phe Cải chánh cách dữ tợn. Giáo hội Cải chánh nhận thấy nơi Giáo hội Công giáo một khía cạnh mới: Nếu như trước đây các nhà Cải chánh chỉ lên án Giáo hội Công giáo như là một “đại dâm phụ”, hủ bại trong nếp sống xa hoa, với hình tượng cùng các vua trong thế gian, thì nay Giáo hội còn trở nên một người đàn bà “say huyết các thánh đồ và huyết những kẻ chết vì Đức Chúa Jêsus” [Khải-huyền 17:6].
Để phản ứng lại phong trào Cải chánh, Giáo hội Công giáo thực hiện một cuộc phản công, gọi là Phong trào Phản Cải cách (Counter-Reformation). Giáo hội đã dùng đến một nhà Thần học Dòng Tên rất tài giỏi tên là Louis de Alcazar (1554-1613), soạn thảo quyển “Vestigatio Arcani Sensus in Apocalypsi” (An Investigation of the Hidden Sense of the Apocalypse) xuất bản năm 1614. Trong đó, Alcazar biện luận rằng các lời tiên tri trong Khải Huyền đã được hoàn toàn ứng nghiệm trong Thế kỷ Thứ nhất. Như vậy, gián tiếp bác bỏ danh hiệu “Đại dâm phụ say huyết các thánh đồ”, mà Giáo hội Cải chánh thời Trung cổ đã gán lên cho Giáo hội Công giáo.

 

**** Lý do tập tài liệu nầy được soạn theo quan điểm Tiền Thiên Hy Niên?

 

Niềm tin chung của hầu hết các mục sư Tin lành tại Hoa kỳ hiện nay là Quan điểm Tiền Thiên Hy Niên. Chúng ta tin vào Thuyết “Tiền Thiên Hy Niên” vì các lý do sau đây:
(1). Lý do thứ nhất, vì đây là quan điểm của các Giáo phụ sống gần nhất với thời kỳ các vị Sứ đồ,
(2). Lý do thứ hai, vì đây là quan điểm xây dựng trên sự giải nghĩa theo nghĩa đen Khải Huyền 20:1-6,
(3). Lý do thứ ba, vì không tin rằng Sa-tan hiện đang bị xiềng,
(4). Lý do thứ tư, vì không tin rằng nhân loại trên đất đã từng, hay hiện đang sống trong Vương Quốc Thiên Hy Niên,