Công vụ 5: " Nói dối Đức Thánh linh "

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Ấy vậy, ta phán cùng các ngươi, các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha; song lời phạm thượng đến Đức Thánh Linh thì sẽ chẳng được tha đâu." Ma thi ơ 12: 31

Công vụ 5: " Nói dối Đức Thánh linh "

 

Đọc Công vụ 5: 1-11

 

Câu hỏi:

1/ A na nia và Sa phi ra nói dối về tiền dâng cách nào?
Vì sao họ muốn nói dối như thế?

 

2/ Phi e rơ vì sao biết được?
Khả năng nầy trong kinh thánh gọi là gì?

 

3/ Vì sao Phi e rơ cho rằng A na nia nói dối Đức Thánh Linh?
Phi e rơ có phán tội chết cho A na nia không?

 

4/ Ai xử A na nia chết? Tại sao Chúa xử nghiêm khắc với ông như thế?

 

5/ Sa phi ra có được xử nhẹ hơn chồng không?
Cả hai vợ chồng có thể chối cải được gì không?

 

6/ Sự xử phạt hai vợ chồng A na nia có tác dụng gì với Hội thánh bấy giờ?

 


     " Nói dối Đức Thánh linh "

 

** Hai tín đồ nói dối về tiền dâng: Câu 1& 2

 

"Nhưng có một người tên là A-na-nia, thuận với vợ là Sa-phi-ra, bán gia sản mình, 2 và đồng mưu với vợ, giữ lại một phần tiền giá bán; rồi mới đem phần còn lại đặt dưới chân các sứ đồ."

 

   Sau đây là một câu chuyện đáng tiếc xảy ra, đang khi Hội Thánh được Chúa chúc phước mọi bề.

 Câu chuyện nầy có lẽ gây thắc mắc, khi chúng ta mới đọc mà chưa có lời giải thích. Mọi điều Chúa làm đều công bình, dù đó là sự đoán phạt.


   Hai vợ chồng A na nia và Sa phia ra, có thể đã thấy thể nào mà người ta mến mộ Giô sép trong phần trước, anh được đặt tên là Ba na ba vì sự rời rộng dâng hiến cho nhu cầu Hội Thánh.

   Hai vợ chồng A na nia cũng ao ước được khen tặng như anh, nên về nhà bán hết tài sản của mình, đem dâng vào Hội thánh, và nói là mình đã dâng hết số tiền đó, nhưng thật sự hai ông bà đã bàn với nhau, giữ lại một phần cho mình. (Câu hỏi của Phi e rơ tiếp theo sẽ tiết lộ cho chúng ta biết điều nầy.)


  Đáng sợ thay, hành động "giữ lại" của hai ông bà, mà lại tuyên bố là dâng hết, bị Kinh thánh dùng một từ là " Chiếm đoạt".

Kinh Thánh đã dùng từ Hy Lạp cổ "Nosphizomai " có nghĩa là “chiếm đoạt”. Từ ngữ tương tự như thế, cũng đã được sử dụng cho việc A-can trộm cắp trong Cựu Ước dịch bằng tiếng Hy Lạp (Giô-suê 7:21). Và lần duy nhất " nosphizomai" được sử dụng trong Tân Ước có nghĩa là ăn cắp (Tít 2:10).

 

"Chớ ăn cắp vật chi, nhưng phải hằng tỏ lòng trung thành trọn vẹn, để làm cho tôn quí đạo Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta, trong mọi đường."

 

Trước mắt Chúa, việc lừa dối nầy đã làm một gương rất xấu, khi Đức Thánh Linh đang được ban xuống dầy dẫy trên mọi người, để họ cảm nhận được một Đức Chúa Trời đang ở cùng với Hội thánh, oai nghi, vinh hiển, linh thiêng, thánh khiết.

 

** Phi e rơ phán hai vợ chồng đã nói dối Đức Chúa Trời: 3 &4

" Phi-e-rơ bèn nói với người rằng: Hỡi A-na-nia, sao quỉ Sa-tan đã đầy dẫy lòng ngươi, đến nỗi ngươi nói dối cùng Đức Thánh Linh, mà bớt lại một phần giá ruộng đó? 4 Nếu ngươi chưa bán ruộng đó, há chẳng phải là của ngươi sao? Khi bán rồi, giữ giá đó há chẳng được sao? Điều đó nhập vào lòng ngươi thế nào? Ấy chẳng phải ngươi nói dối loài người, bèn là nói dối Đức Chúa Trời."

 

** Tại sao Phi e rơ biết?


  Khi A na nia đem số tiền dâng của mình, đặt dưới chân các sứ đồ và tuyên bố với Hội Thánh rằng: " Đây là toàn bộ tài sản của chúng tôi đem dâng cho Chúa!"
Kinh thánh không nói đã có ai tố cáo, câu chuyện chỉ có hai vợ chồng họ biết mà thôi, thế nhưng, Đức Thánh Linh cũng biết, Ngài khiến Phi e rơ lên tiếng hỏi họ như thể ông biết hết mọi điều.


  Một người được ơn Chúa cho biết những bí mật để nói ra, sách I Cô rinh tô 12:7 & 8 nói đó là ơn cho nói lời có tri thức ( The word of knowledge) không phải trí thức, mà là tri thức, nói ra điều mà Chúa cho biết.

" Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung. 8 Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức."

 

  Khi Phi-e-rơ tuyên bố rằng A na nia nói dối, A-na-nia chắc hẳn đã rất đau lòng. Anh ta mong đợi được khen ngợi vì sự dâng hiến hào sảng của mình, nhưng thay vào đó, lại bị quở trách.

 Phi-e-rơ nhìn thấy Sa-tan đang hành động qua sự nói dối của hai vợ chồng, dù họ là tín đồ. Phi-e-rơ không buộc tội A-na-nia nói dối Hội thánh hay các sứ đồ, nhưng buộc tội đã nói dối với chính Đức Thánh Linh.

  Để bổ túc cho hai câu đầu tiên, Phi e rơ xác định, nếu hai người muốn giữ lại một số tiền thì không có tội, nhưng vì họ nói, đây là toàn bộ số tiến bán hết tài sản, chúng tôi đem dâng lên Chúa? Thật khó tin họ có thể nói dối như vậy với Chúa.

 

  Mới ít lâu trước, hai vợ chồng chắc hẳn đã thấy Đức Thánh Linh hiện ra như lưỡi lửa. Ngài khiến mọi người được nói tiếng ngoại quốc. Đức Thánh linh cũng khiến đất rung chuyển dữ dội khi trả lời cầu xin của Hội thánh. Hai người cũng đã nghe Phi e rơ và Giăng làm chứng thế nào mà họ được dạn dĩ nói về Chúa trước toà Công luận, bây giờ, hai vợ chồng lại nói dối, mà lại nghĩ rằng Chúa không hề biết?

Hành động như vậy, quả thật hai người không tin vào Chúa, vì ham muốn sự khen ngợi, đạo đức giả, họ đã làm hư hoại trật tự tốt lành và thánh thiện của Hôi Thánh.


  Phi e rơ được Chúa mách bảo tội lỗi của họ, để ông tuyên bố ra, làm cho những người khác phải kính sợ Chúa, không dám bắt chước, nghĩ rằng Chúa không thấy và không biết những điều thầm kín. Tội lỗi kín giấu, sẽ bị phơi bày. Dâng hiến âm thầm, cũng được chúa biết.

 

Sa tan có thể hành động ở mọi hoàn cảnh, nó có thể lung lạc được cả tín đồ chỉ vì sự ham muốn những lời khen tặng. Có ba cách mà Sa tan dùng hoài để cám dỗ loài người, mà không bao giờ bị lỗi thời là: Ham muốn của mắt, kiêu ngạo của lòng và dục vọng của xác thịt. Sa tan dùng ba chiêu trò đó cho cả Chúa Giê su được chép lại trong Ma thi ơ 4.

Chúng ta phải cảnh giác về bài học tội lỗi của A na nia - Khi thờ phượng một Đức Chúa Trời toàn năng, chúng ta phải tâm niệm một điều:

                                                "Chúa có thấy và Chúa có biết"

 

** A na nia bị ngã chết: câu 5 &6

 

" A-na-nia nghe nói bấy nhiêu lời, thì ngã xuống và tắt hơi; phàm người nào hay điều đó đều sợ hãi quá đỗi. 6 Nhưng các gã trẻ tuổi đứng dậy khâm liệm thây người và đem đi chôn. "

 

     Khi A-na-nia nghe những lời của Phi e rơ liền ngã xuống trút hơi thở cuối cùng. Phi-e-rơ không tuyên án tử hình cho A-na-nia. Anh ta chỉ đơn giản đối mặt với tội lỗi của mình và A-na-nia ngã xuống chết.


    Hãy lưu ý rằng Phi-e-rơ không nói một lời nào với A-na-nia về cái chết của anh ta. Bản án không phải do Phi e rơ tuyên án. Cái chết của A-na-nia là do ý Chúa.

A na nia đã không kịp tranh luận gì khi đối diện với tội lỗi của mình; anh ta ngã xuống và trút hơi thở cuối cùng.

  Nhiều người cho rằng bản án nầy quá khắc nghiệt cho A na nia, vì ngày nay, nhiều người nói dối trước Chúa mà không bị xử chết? Chúng ta không thể hỏi Chúa tại sao, ngày xưa chết mà ngày nay chưa chết? Hãy cám ơn Đức Chúa Trời, vì Ngài trì hoãn sự phán xét công bình của Ngài trong hầu hết các trường hợp khác.

Điều Chúa muốn tất cả các tín đồ biết : Nói dối Chúa, phạm tội với Đức Thánh Linh là tội chết.

 

Và không nên nghĩ rằng thời gian Chúa chịu đựng chúng ta còn kéo dài mãi - Ngài sẽ hành động bất cứ lúc nào như A na nia và Sa phi ra là thí dụ.

 

 A-na-nia bị chết làm gương, cũng phải được nhìn trong bối cảnh thời đó, là thời điểm quan trọng đối với hội thánh đầu tiên, cho nên, sự ô uế, tội lỗi, tai tiếng và sự xâm nhập của ma quỷ vào Hội Thánh như thế, có thể làm hư hỏng toàn bộ hội thánh tận gốc rễ. Sự chống đối, bắt bớ giáo hội từ bên ngoài, không nguy hiểm bằng sự hư hoại có từ bên trong, khi Hội Thánh không còn thánh nữa.

 

** Đến lượt Phi e rơ tra hỏi Sa phi ra, bà ấy cũng ngã chết như chồng mình: Câu 7-11

 

" Khỏi đó độ ba giờ, vợ người bước vào, vốn chưa hề biết việc mới xảy đến. 8 Phi-e-rơ cất tiếng nói rằng: Hãy khai cho ta, ngươi đã bán đám ruộng giá có ngằn ấy phải không? Thưa rằng: Phải, giá ngằn ấy đó. 9 Phi-e-rơ bèn nói rằng: Sao các ngươi dám đồng mưu để thử Thánh Linh của Chúa? Kìa, chân những kẻ chôn chồng ngươi đang ở ngoài cửa, họ sẽ đem ngươi đi luôn. 10 Chính lúc đó, nàng té xuống nơi chân Phi-e-rơ và tắt hơi. Các gã tuổi trẻ trở về, thấy nàng đã chết, bèn khiêng đi chôn bên chồng nàng. 11 Cả Hội thánh đều rất sợ hãi, cho đến người nào nghe tin cũng vậy."

 

  Lời Kinh thánh chép, Sa phi ra không vào cùng lúc với A na nia, rất lâu sau bà mới vào, và không biết việc xảy ra cho chồng mình. Phi e rơ hỏi để bà xác nhận rằng có phải đó là toàn bộ số tiền bán tài sản hay không? Sa phi ra đáp: Phải!

Vì Sa phi ra công nhận, nên Phi e rơ tuyên bố bà là đồng loã dối gạt Thánh Linh. Sapphira tham gia vào tội lỗi, thì sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với bà cũng công bình như đối với A-na-nia.

  Bà không bị chồng ép buộc làm theo, câu 2 nói rõ, bà đồng mưu với chồng. Sau đó, cũng ngay lập tức,Sa phi ra ngã xuống và trút hơi thở cuối cùng: Thật trùng hợp, sự phán xét đã đến với Sapphira giống như đối với chồng cô là A na nia. Vì họ có chung một tội lỗi nên họ có chung số phận. Một lần nữa, chính tay Đức Thánh Linh hành xử kẻ phạm tội.

  Kết quả là cả Hội thánh đều sợ hãi, mọi người thấy Chúa đang ở rất gần, sự đoán phạt của Chúa cũng là một công việc của Ngài trong Hội thánh. Ngài ban phước, nhưng Ngài cũng đoán phạt.


  Là một tín đồ trưởng thành, chúng ta được thấy cách Chúa ban phước để vui mừng, nhưng chúng ta cũng học được những bài học về sự trừng phạt vì tội lỗi để ăn năn.

  Cả hai đều ích lợi cho đời sống của người theo Chúa. Hội Thánh biết kính sợ Chúa là một yếu tố cần có cho sự phục hưng. Theo lời chứng của những nhà Truyền giáo, sự phục hưng thường bắt đầu bằng sự thanh lý tội lỗi trong Hội Thánh Chúa.

 

Bài giảng cuối cùng của Tiến sĩ J. Edwin Orr có tựa đề: "Sự phục hưng giống như Ngày phán xét." Trong đó, ông mô tả sự xuất hiện của cơn phấn hưng, hầu như luôn được đánh dấu bằng công việc của Đức Chúa Trời, triệt để trong việc xử lý tội lỗi của những người trong Hội Thánh.

 

William Castle, đến từ Tứ Xuyên, Trung Quốc, đã nói: ‘Phục sinh bắt đầu từ sự phán xét, đó là những gì đã xảy ra ở Shantung.

Sự phán xét đi qua hết mọi thành phần, từ các nhà truyền giáo, mục sư, người dân, nỗi sợ hãi giáng xuống mọi người, và danh Chúa được tôn vinh."

Mọi người có thể có ý tưởng rằng, sự phục hưng đến ồn ào như một một ngày chiến thắng của Hội thánh. Nhưng đó là ngày phán xét dành cho hội thánh. Sau sự phán xét, sau khi mọi việc được giải quyết ổn thỏa, lúc đó mới tới phước lành dồi dào.

 

Hãy thanh toán các tội lỗi trong Hội thánh, hãy làm cho Hội thánh trong sạch thì mới được phước.