Giăng 11: " Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!"
" Vì ấy là chẳng phải bổn tâm Ngài làm cho con cái loài người cực khổ và buồn rầu.Ca thương 3:33
Giăng 11: " Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!"
Câu hỏi:
1/ Lời dạy trong sách Rô ma: " Vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc" có ý nghĩa gì?
Có phải chỉ là khóc với cười với người ta mà thôi?
2/ Vì sao Chúa Giê su khóc, khi biết chút nữa Ngài sẽ cứu La xa rơ sống dậy?
3/ Tai sao Ma thê ngần ngừ không muốn lăn hòn đá?
4/ Chúa Giê su thách thức bà điều gì?
Hãy nêu ra một điều thách thức trong Kinh thánh mà bạn muốn thực hiện.
5/ Tại sao Chúa Giê su cầu xin trước khi gọi La xa rơ sống dậy?
Ngài làm điều đó để vinh hiển ai?
6/ Cảnh La xa rơ sống lại, có những điểm nào giống Kinh thánh diễn tả lúc Chúa đến tiếp Hội thánh lên?
7/ Vì sao lời nói vu khống của Thầy tế lễ được cho là lời tiên tri về Chúa Giê su?
"Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!"
*** "Chúa Jêsus khóc." Câu: 32-38
"Nhưng Ma-ri, lúc đã tới nơi Đức Chúa Jêsus đứng, vừa thấy Ngài, thì sấp mình xuống chân Ngài mà nói rằng: Lạy Chúa, nếu có Chúa đây, thì anh tôi không chết! Đức Chúa Jêsus thấy người khóc, và những người Giu-đa đi với người cũng khóc, bèn đau lòng cảm động mà phán rằng: Các ngươi đã chôn người ở đâu? Chúng thưa rằng: Lạy Chúa, xin hãy lại coi. Đức Chúa Jêsus khóc. Người Giu-đa bèn nói rằng: Kìa, người yêu La-xa-rơ là dường nào! Có một vài người trong chúng nói: Người đã mở mắt kẻ mù được, há chẳng có thể cũng làm cho người nầy không chết sao? Bấy giờ, Đức Chúa Jêsus lại đau lòng nữa, bèn đến phần mộ; mộ bằng một cái hang, trước cửa hang có một hòn đá chận lại."
Đoạn Kinh Thánh trên đang diễn tả cảnh đau lòng mà chúng ta thường thấy trong đám tang, người thân khóc, hàng xóm khóc, bạn hữu khóc, nhưng lạ nhất là Chúa Giê su cũng khóc.
Ma ri khóc vì thương anh, cộng với sự tiếc nuối vì Chúa Giê su đến muộn, hàng xóm khóc vì mất một người quen thuộc của mình. Người ta nói khi dân ở vùng Trung đông khóc, họ khóc rất ồn ào, họ cho rằng càng khóc mà la lớn thì càng làm vinh dự cho người chết. Nhưng từ khóc của Chúa Giê su là một từ khác, Chúa cũng khóc nhưng khóc thầm lặng và không bày tỏ ra sự mất kềm chế.
Đứng về mặt lý luận, sẽ có câu hỏi, tại sao Chúa Giê su lại khóc, khi Ngài biết La xa rơ chút nữa được sống lại?
Nhìn theo một phương diện khác, chúng ta nghĩ thế nào trong khi mọi người gào la, khóc lóc, thì Chúa chúng ta bình tỉnh như thường?
Nếu Chúa bình tỉnh như thường thì những câu Kinh Thánh sau đây sẽ không có ý nghĩa:
"Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc" Rô ma 12:15
Sách Rô ma dạy cho một Cơ-đốc nhân trưởng thành, phải vui với kẻ vui và khóc với kẻ khóc. Lời nhắn nhủ được nhấn mạnh như một phần quan trọng trong việc chăm sóc những người có hoàn cảnh đặc biệt nào đó, lắng nghe câu chuyện của họ và thể hiện lòng trắc ẩn với những người bị tổn thương. Đó là sự chăm sóc mục vụ của Cơ đốc nhân.
"Chúa đếm các bước đi qua đi lại của tôi: Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa, Nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao?|" Thi Thiên 56:8
Đa vít nói Chúa nhìn thấy những giọt nước mắt đau thương của chúng ta, và đựng nó trong ve của Ngài, nói lên sự quan tâm của Chúa đối với người đang khóc vì đau thương. Ngài sẽ an ủi, giải thoát người kêu rên cùng Ngài. Ngày cuối cùng, khi chúng ta gặp Chúa, Ngài cũng sẽ lau hết những giọt nước mắt buồn khổ của chúng ta.
"Chúa chữa lành người có lòng đau thương, Và bó vít họ lại" Thi Thiên 147:3
"Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết ,cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi." Khải huyền 21:4
Trong cách diễn giải của Kinh thánh, thì ở đây, Chúa Giê su khóc hoàn toàn bình thường, Ngài bộc lộ một trái tim đầy tình thương của một Đức Chúa Trời
nhân hậu. Nếu Chúa Giê su không khóc, gữa những người khóc mới đáng thắc mắc.
Trong câu 38, sau khi nghe người ta nói:
"Người đã mở mắt kẻ mù được, há chẳng có thể cũng làm cho người nầy không chết sao?"
thì Ngài lại đau lòng nữa, chữ đau lòng nầy được dịch từ chữ "Then Jesus, again groaning in Himself" có thể dịch là Chúa Giêsu thổn thức trong tâm hồn.
Trong tiếng Hy Lạp cổ, cụm từ này có nghĩa đen, là khịt mũi như ngựa – hàm ý sự tức giận và phẫn nộ. Vì sao? Chúa Giê su đang đối diện với sự thương tâm của loài người, sự chết đã chế ngự thế gian, đem đến buồn khổ cho con cái Ngài. Ngài sẽ phải làm gì? Thêm một lần nữa Chúa Giê su cảm nhận được số phận thương tâm của con người trên thế gian, Ngài không làm ngơ được, Ngài phải cứu lấy họ. Y như lời Kinh Thánh nói, Đức Chúa Trời không làm ngơ trước những giọt nước mắt đau thương, Ngài cảm thông và Ngài sẽ giải cứu. Chúa sẽ hy sinh chính thân mình để đổi lấy những giọt nước mắt buồn đó. Người ta yêu Chúa nhiều hơn khi Ngài khóc với họ.
Tóm lại, có ba nguyên do mà Chúa Giê su khóc trong cái chết của La xa rơ:
1/ Chúa Giê su bộc lộ cảm tính của một con người thật sự trước nỗi đau đớn của những người chung quanh.
Đức Giáo hoàng Leo đã nói: "Với nhân tính, Chúa Giêsu khóc thương La xa rơ; với thần tính, Ngài đã khiến La xa rơ sống lại từ cõi chết”.
2/ Chúa Giê su bày tỏ sự cảm thông và lòng trắc ẩn mà Ngài cảm nhận đối với toàn thể nhân loại.
3/ Chúa Giê su có cảm xúc mạnh mẻ gần như thịnh nộ đối với sự chuyên chế của cái chết đối với nhân loại. Lần nầy Ngài không bộc lộ, vì dù Ngài nói rõ: " Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi." mà người ta không để ý và không hiểu.
Cảm xúc sâu sắc về cái chết của nhân loại là yếu tố mạnh mẽ thúc đẩy Chúa Giê su bước lên Thập giá.
** Hỡi La-xa-rơ, hãy ra!" Câu 38-45
"Bấy giờ, Đức Chúa Jêsus lại đau lòng nữa, bèn đến phần mộ; mộ bằng một cái hang, trước cửa hang có một hòn đá chận lại. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy lăn hòn đá đi. Ma-thê, là em gái kẻ chết, thưa rằng: Lạy Chúa, đã có mùi, vì người nằm đó bốn ngày rồi. Đức Chúa Jêsus lại phán: Ta há chẳng từng nói với ngươi rằng nếu ngươi tin thì sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sao? Vậy, họ lăn hòn đá đi. Đức Chúa Jêsus bèn nhướng mắt lên trời mà rằng: Thưa Cha, tôi tạ ơn Cha, vì đã nhậm lời tôi. Tôi biết rõ rằng Cha nhậm lời tôi luôn, nhưng tôi nói vậy là vì cớ đoàn dân nầy đứng chung quanh tôi, hầu cho họ tin rằng ấy chính Cha là Đấng đã sai tôi đến. Khi Ngài nói xong, bèn kêu lên một tiếng lớn rằng: Hỡi La-xa-rơ, hãy ra! Người chết đi ra, chân tay buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn. Đức Chúa Jêsus phán cùng chúng rằng: Hãy mở cho người, và để người đi. Có nhiều người Giu-đa đã đến cùng Ma-ri và thấy sự Đức Chúa Jêsus làm bèn tin Ngài."
***nếu ngươi tin thì sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời:
Chúng ta hãy đi chậm lại một chút trong phân cảnh nầy, để thấy có sự ngần ngừ của Ma thê, nguời đã mạnh mẻ phát biểu:
"Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối cùng, anh tôi sẽ sống lại."
Ma thê tin Chúa rất bài bản và không có ngoại lệ, bà có lòng tin như lời kinh Thánh dạy, nhưng nếu có sự đột phá thì bà không dám tin.
Bà cũng đã nói: " mọi điều Ngài sẽ xin Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời ắt ban cho."
Những điều ấy có giới hạn trong tầm nhìn của bà, bà biết Chúa Giê su có thể chữa bệnh, Chúa có thể hoá bánh hay Chúa có thể chế ngự được thiên nhiên, nhưng ở đây, bà không chịu cho người ta lăn hòn đá vì đã có mùi -
Trong Kinh Thánh, cả Đức Chúa Trời và Chúa Giê su đều thách thức đức tin của chúng ta, nếu Áp ra ham không dám dâng Y sác thì sẽ không thấy con chiên sắm sẳn mắc trong bụi gai. Nếu Môi se không giơ cây gậy ra thì biển không rẽ ra. Lúc dân sự qua sông Giô đanh, nếu họ không đặt chân xuống nước thì nước không rẽ ra. Sách Ma la chi còn nói, nếu không dâng phần mười thì sẽ không thấy ơn phước Chúa đổ ra dư dật từ các của sổ ở trên trời.
Khi Ma thê ngần ngừ không chịu cho lăn hòn đá, Chúa Giê su thách thức bà bằng câu nói: "nếu ngươi tin thì sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời" thì người ta mới chịu lăn hòn đá ra. Do hành động đó, mà mọi người mới thấy được La xa rơ bước ra khỏi mộ. Đức tin khởi động những phép lạ, và những phép lạ xảy ra vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời thì không giới hạn, cũng không giống nhau.
***"hầu cho họ tin rằng ấy chính Cha là Đấng đã sai tôi đến"
Chúa Giê su lúc nào cũng muốn dâng trọn sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời.
Chúa Giê su biết Ngài được ban quyền phép không giới hạn bởi Đức Thánh linh, Ngài có thể thi thố nhiều phép lạ, nhưng Ngài vẫn cầu nguyện với Cha, để cho người ta hướng về Đức Chúa Trời mà cảm tạ.
Ngày nay, chúng ta thấy nhiều người phô trương phép lạ để lấy vinh hiển về cho mình, họ sẽ thổi, sẽ đẩy, sẽ đánh. sẽ thôi miên... để người khác thấy do nơi họ mà phép lạ tuôn ra, rất khác với cách mà Chúa Giê su hay các sứ đồ đã làm là cầu xin.
Sau khi cầu nguyện, Chúa Giê su gọi tên, thì La xa rơ được sống dậy và đi ra.
Khi cơ thể đã bị phân huỷ, thì không thể sống dậy và đi ra, nhưng nếu sống dậy, đi ra, thì La xa rơ đã được tái tạo một cơ thể mới. Sự sống lại của La xa rơ là hình bóng của Ngày sau rốt, khi Chúa Giê su ở trên không trung cất Hội Thánh lên trời, mỗi người sẽ nghe tiếng Thiên sứ gọi tên mình và sẽ mang lấy một thân thể mới mà lên cùng Chúa -
Sự sống lại của La xa rơ chỉ là bóng, cho con cái Chúa thấy chuyện về sau - La xa rơ trong xác thịt, cũng sẽ chết lần nữa, nhưng bởi đức tin, Ngày Chúa đến, La xa rơ cùng với mọi tín hữu trên đất, trong đó có chúng ta, được kêu tên cùng với La xa rơ mang một thân thể không hư nát để lên Trời.
** Kẻ thù nghịch nói tiên tri: Chúa Giê su vì dân mà chết" câu 46-57
"Nhưng một vài người trong bọn đó đi tìm người Pha-ri-si, mách cho họ sự Đức Chúa Jêsus đã làm. Các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si nhóm tòa công luận, bàn rằng: Người nầy làm phép lạ nhiều lắm, chúng ta tính thế nào? Nếu chúng ta để cho người làm, thì thiên hạ tin người, rồi dân Rô-ma sẽ đến diệt nơi nầy và cả nước chúng ta nữa. Nhưng một người trong bọn họ, tên là Cai-phe, làm thầy cả thượng phẩm đang niên, nói rằng: Các ngươi chẳng biết gì hết! Các ngươi chẳng xét rằng thà một người vì dân chịu chết, còn hơn cả nước bị hư mất. Vả, người nói điều đó chẳng phải tự mình, nhưng bởi làm thầy cả thượng phẩm đang niên, người nói tiên tri về Đức Chúa Jêsus sẽ vì dân mà chết; và không những vì dân thôi, mà cũng để nhóm con cái Đức Chúa Trời đã tản lạc lại làm một đoàn. Từ ngày đó, chúng lập mưu giết Ngài. Cho nên Đức Chúa Jêsus không tỏ mình rõ ràng trong vòng dân Giu-đa nữa, song Ngài đi trong miền gần đồng vắng, nơi một thành gọi là Ép-ra-im; và ở lại đó với môn đồ. Lễ Vượt Qua của dân Giu-đa gần đến, có lắm người trong xứ lên thành Giê-ru-sa-lem trước ngày lễ để tẩy uế. Vậy, chúng kiếm Đức Chúa Jêsus, và đứng trong đền thờ, nói với nhau rằng: Các ngươi tưởng thế nào? Người không đến giữ lễ hay sao? Vả, các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si đã ra lịnh, nếu ai biết Đức Chúa Jêsus ở đâu, thì phải mách với họ, để họ bắt Ngài."
Phép lạ Chúa Giê su vừa làm cho La xa rơ là phép lạ lớn nhất, có nhiều người chứng kiến, và không thể xuyên tác hay phủ nhận được. Tuy nhiên, bởi quyền lực mạnh mẻ, tối tăm của Sa tan mà lúc nào cũng có hai thái độ: Người tin và kẻ chống lại. Những kẻ chống lại đó sẽ không được sống lại trong ngày sau rốt.
Kinh thánh ví Chúa Giê su là hòn đá góc nhà- hòn đá làm chuẩn cho cái nhà Hội Thánh được xây lên, chắc chắn, bền vững, nhưng nó cũng là hòn đá làm cho vấp ngã. Cùng xem một phép lạ vĩ đại, nhưng kẻ tin thì vui mừng trong lòng vì biết mình tin đúng. Kẻ không tin thì lo sợ ảnh hưởng của Chúa Giê su sẽ làm cho cả nước Giu đa bị liên luỵ bởi Rô ma. Họ lấy một lý do rất chính trị là chẳng thà để một người hy sinh mà cả nước được cứu, đó là lời tiên tri cề Chúa Giê su, một mình Ngài hy sinh để mọi người được cứu rỗi, và con cái Chúa họp lại thành một Hội Thánh.
Ý tưởng "Thà hy sinh một người" được cả Hội đồng chuẩn y, qua sự cầm đầu của Thầy cả thượng phẩm Cai phe - Chúa Giê su không cần đính chính gì cả, Ngài đến vì những con chiên lạc mất chứ không chiến đấu với kẻ thù nghịch. Như lần trước, Chúa lẫn đi nơi khác, gần đồng vắng gọi là thành Ép ra im để dự lễ vượt qua với môn đồ. Kinh thánh nói các thầy tế lễ và người Giu đa không tin đã vấp chân vào hòn đá sống, họ sẽ bị huỷ diệt, sau cái chết tạm là cái chết đời đời.
" Hòn đá mà thợ xây loại ra, Đã trở nên đá đầu góc nhà. Điều ấy là việc của Đức Giê-hô-va, Một sự lạ lùng trước mặt chúng tôi. Nầy là ngày Đức Giê-hô-va làm nên, Chúng tôi sẽ mừng rỡ và vui vẻ trong ngày ấy. " Thi Thiên 118: 23&24
"Tôi sẽ chẳng chết đâu, nhưng được sống, Thuật lại những công việc Đức Giê-hô-va". Thi Thiên 118: 17