Giăng 14: " Vì ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống."
" Vậy, chúng ta hằng đầy lòng tin cậy, và biết rằng khi chúng ta đang ở trong thân thể nầy thì cách xa Chúa 7 vì chúng ta bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy." II Cô rinh tô 5: 6 &7
Giăng 14: " Vì ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống."
Câu hỏi:
1/ Khi Chúa Giê su ra đi, các môn đồ có bị xem là mồ côi không? Tại sao?
2/ Vì sao Thế gian sẽ không thể thấy Chúa, nhưng người theo Chúa thì thấy?
3/ Tại sao hể Chúa sống thì người theo Chúa cũng sẽ sống?
Xin một người đọc I Cô rinh tô 15: 12-23 bên duới trang chữ màu đỏ
4/ Chúa được bày tỏ cho ai? Tại sao Thế gian không được Ngài bày tỏ?
5/ Xin giải thích: "Ta ở trong Cha, Các ngươi ở trong Ta và Ta ở trong các ngươi" là gì?
6/ Bình an của Chúa tại sao khác bình an của thế gian?
" Vì ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống."
** "Ta không để cho các ngươi mồ côi" câu 18-21
" Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi. 19 Còn ít lâu, thế gian chẳng thấy ta nữa, nhưng các ngươi sẽ thấy ta; vì ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống. 20 Nội ngày đó, các ngươi sẽ nhận biết rằng ta ở trong Cha ta; các ngươi ở trong ta, và ta ở trong các ngươi. 21 Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta; người nào yêu mến ta sẽ được Cha ta yêu lại, ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết ta.
Chúa Giê su đề cập đến ba chữ " Con Mồ côi" để đưa ra lời hứa bảo đảm thứ ba của Ngài.
Ở đất nước Do Thái thời đó, những học trò học với một giáo sư, thường có một mối tương giao rất gần gủi, không phải như học trò trong một lớp học ngày nay, mà giống như hai chữ "Sư phụ" trong văn hoá Á đông- Học trò gọi Thầy bằng Cha và các học giả gọi học trò của ông là con ông, nên khi ông qua đời, họ cũng bị hụt hẩng như con mồ côi. Dù vậy, Chúa Giê su khẳng định, học trò của Ngài và những người theo Ngài sẽ không bao giờ là "Con Mồ côi"
Một giáo sư thần học đưa ra những so sánh như sau:
1/ Con mồ côi là khi cha mẹ chết - Nhưng Chúa Giê su vẫn còn sống
2/ Con mồ côi bị bỏ lại một mình - Nhưng Ba ngôi Đức Chúa Trời đang ở cùng họ
3/ Con mồ côi mất nơi nương tựa và mất người nuôi dưỡng -Nhưng Ba Ngôi Đức Chúa Trời đều có thể dựa cậy và cung cấp cho họ mọi nhu cầu
4/ Con mồ côi không được dạy dỗ - Nhưng Đức Thánh Linh luôn là thầy giáo hướng dẫn và dạy họ đi trong Lẽ thật.
5/ Con mồ côi không được bảo vệ - Nhưng con cái Chúa lúc nào cũng có người bảo vệ. Thí dụ trong ( Hê bơ rơ 1: 14)
"Các thiên sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?"
** Những người theo các giáo chủ đã chết trên thế gian mới thật sự là con mồ côi -
Không có cơ nghiệp, không hy vọng và cũng không có lời hứa.
***" Thế gian chẳng thấy ta nữa, nhưng các ngươi sẽ thấy ta; vì ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống."
Sau khi sống lại, Chúa Giê su đã hiện đến với các môn đồ bằng thân xác trần gian. Người ta nhận xét qua các câu chuyện trong Kinh Thánh, những người thân và môn đồ của Chúa Giê su đã không nhận ra Ngài, nào Ma ri Ma đơ len , nào hai môn đồ trên đường làng Em ma út hay cả nhiều môn đồ khi họ muốn trở về làng cá. Tất cả những kẻ quen thuộc mặt Chúa đều đã không nhận ra Ngài, cho tới khi Ngài bày tỏ điều gì đó rất đặc biệt mà trong mối tương giao, họ mới thấy được Ngài.
Chúa Giê su đang dạy họ nhìn thấy Ngài qua cách mới, là cách tương giao của tâm linh. Một Giê su trước đó của trần gian đã biến mất trong mắt thiên hạ, nhưng vẫn còn mãi mãi được " thấy" bởi những người theo Chúa. Chúng ta hãy nghe Phao lô, một ngòi bút tuyệt vời của Tân ước diễn tả cảm xúc đó như sau, qua sách II Cô rinh tô 5: 16
" Bởi đó, từ rày về sau, chúng tôi không theo xác thịt mà nhận biết ai nữa; và, dẫu chúng tôi từng theo xác thịt mà nhận biết Đấng Christ, song cũng chẳng còn nhận biết Ngài cách ấy đâu."
Phao lô cho chúng ta biết, thấy Chúa Giê su qua xác thịt không bằng thấy Ngài qua mối tương giao -
Có lẽ cái" Thấy" sau còn có giá trị, thích thú và phong phú hơn cái 'Thấy" trước rất nhiều, nên sau nầy ông chọn cho mình cái thấy sau, là cái thấy mà chỉ có con cái Chúa mới thấy được. và không chỉ mình ông chọn lối " Thấy" đó, ông dùng chữ " chúng tôi" tức là có nhiều người.
Như vậy chúng ta không cần so sánh, ganh tỵ với các môn đồ, tại sao mình không được 'Thấy" Ngài trong xác thịt như họ.
Thân thể mà Chúa Giê su cho môn đồ thấy là một thân thể "Phục sinh" sau cái chết của con người cũ. Người theo Chúa, sau khi được tái sinh, cũng được trở nên mới, cho nên ông Phao lô lại nói tiếp trong câu 17:
"Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới."
Chúa Giê su đã thực hiện cho người theo Chúa thấy hết những tiến trình của một tín đồ theo Chúa: Qua sự chết con người cũ, một thân thể phục sinh được làm mới lại, rồi đến khi có tiếng kèn thổi và tiếng Thiên sứ trưởng loan báo, tất cả người tin Chúa đều được cất lên để gặp Chúa - Đó là cái Thấy và sự sống vĩnh viễn mà Chúa dành cho con cái của Ngài.
Chúa Giê su đã được sống lại, Ngài bảo đảm những người tin và theo Chúa cũng sẽ được sống lại vinh hiển như Ngài.
Từ khi Chúa Giê su chết trong thân xác của trần gian, người thế gian sẽ không thể gặp Ngài được nữa nếu họ không tin nhận Chúa, để được thấy Ngài qua mối tương giao và cũng sẽ không được sống lại với Ngài để được mặt đối mặt cùng Ngài.
** "Ta ở trong Cha ta; các ngươi ở trong ta, và ta ở trong các ngươi." câu 20
Trọn câu 20 sẽ là " Nội ngày đó, các ngươi sẽ nhận biết rằng ta ở trong Cha ta; các ngươi ở trong ta, và ta ở trong các ngươi."
" Nội ngày đó" là ngày nào? Trong tiếng anh là " at that day" nên chúng ta phải trở lại nội dung của câu 16 &17 trước, là khi Chúa hứa ban Thần Lẽ thật tức là Đức Thánh Linh xuống ở trong môn đồ.
* "Ta ở trong các ngươi"
Bài trước, chúng ta đã học về "Đấng Yên ủi khác" tức là một đấng khác nhưng giống hệt Chúa Giê su- Như vậy, trong ngày mà Đấng thay thế Chúa Giê su vào trong lòng môn đồ, tức thì họ biết Ngài ở trong họ.
* "Ta ở trong Cha Ta"
Chúa Giê su với Cha là một, Chúa Giê su thực hiện những ý muốn của Cha và Ngài tuân phục Cha, nên không khó hiểu khi Ngài nói "Ta ở trong Cha Ta" Giăng 10: 30 Chúa Giê su tuyên bố cho người Pha ra si biết:"Ta với Cha là một."
Và vì Chúa Giê su đã làm cầu nối giữa Chúa Cha và chúng ta, Ngài bao phủ chúng ta bằng sự cứu chuộc nên chúng ta luôn được ở trong Ngài.
" Các ngươi ở trong Ta" cũng nói lên tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta. II Cô rinh tô 5: 18a:
"Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài,"
"Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta; người nào yêu mến ta sẽ được Cha ta yêu lại, ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết ta."
Một lần nữa, Chúa Giê su kêu gọi các môn đồ thực hiện tình yêu của ngài với nhau và với tha nhân để dùng tình yêu đó mà chinh phục thế gian.
Ai thực hiện các điều răn là yêu Chúa và cũng bởi đó mà được Đức Chúa Trời yêu lại. Chúa Giê su đòi hỏi tình yêu với Ngài phải được thể hiện qua hành động.
Câu nói "Tỏ cho người biết Ta" gần gủi biết bao nhiêu - Không phải ai cũng được Chúa tỏ cho biết, chỉ có người Yêu Chúa, phục tùng Ngài mới được Chúa tỏ mình cho họ. " Thấy" " Biết " và được Chúa " Tỏ" là ba mức độ trưởng thành khác nhau trong Chúa.
** " Sao Chúa không tỏ mình cho thế gian ?" câu 22-26
" Giu-đe, chớ không phải là Ích-ca-ri-ốt, thưa Ngài rằng: Lạy Chúa, vì sao Chúa sẽ tỏ mình cho chúng tôi, mà không tỏ mình cho thế gian: 23 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người. 24 Còn kẻ nào chẳng yêu mến ta, thì không vâng giữ lời ta; và lời các ngươi nghe đó, chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Cha, là Đấng đã sai ta đến. 25 Ta đã nói những điều đó với các ngươi đang khi ta còn ở cùng các ngươi. 26 Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi. "
Từ "Tỏ mình" được dịch từ chữ " Manifest" có nghĩa tiết lộ, biểu hiện, làm rõ ra. Ông Giu đa ( Không phải ích ca ri ốt) đã có lần nghe Chúa Giê su nói trong Ma thi ơ 24: 30&31 trong ngày Chúa đến trên không trung để tiếp rước Hội thánh thì Ngài có " Tỏ " Ra cho cả thế gian thấy:
"Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống. 31 Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy cho đến tận phương kia."
Nhưng bây giờ, sao Chúa nói chỉ người theo Chúa mới được thấy sự mắc khải đó còn các kẻ khác thì không thấy? có cách nào làm được như vậy?
Dường như Chúa Giê su không trả lời trực tiếp câu hỏi nầy của Giu đe ( anh Gia cơ) nhưng Ngài cho chúng ta biết ba điều về sự " Tỏ mình ra "
Thứ nhất: "Sự Tỏ mình" của ba ngôi Đức Chúa Trời mà Chúa Giê su dùng chữ " Chúng Ta đều đến cùng người và ở trong người." là sự tỏ mình trong tâm linh, cho từng cá nhân được chọn lựa, chứ không phải tập thể, cũng không phải một sự kiện mà cả nhân loại được thấy.
Thứ hai: Ai được sự đó? Là người Yêu mến Chúa và vâng giữ lời Ngài. Thế gian bị Chúa quở là không biết Ngài, không yêu mến Ngài và cũng không muốn làm theo điều răn của Đức Chúa Cha thì họ sẽ không bao giờ được Chúa " tỏ mình" ra cho họ.
Thứ Ba: Bằng một cách gián tiếp, Chúa Giê su cho môn đồ biết, " Sự Tỏ mình" nầy có liên quan đến Đức Thánh Linh - Chính Ngài sẽ làm công tác của một thầy giáo, dạy dỗ và nhắc nhở Lời Chúa, thì bấy giờ họ mới được khai sáng, và mới thấy được những gì Chúa muốn bày tỏ, mặc khải với họ.
Thế gian không thể nhận lãnh Đức Thánh Linh, nên sẽ không có mối tương giao nào, và cũng không có sự khai sáng nào, để họ thấy được những gì Ba Ngôi Đức Chúa Trời bày tỏ ra cho họ. Họ sẽ chết trong hoàn cảnh mất liên lạc và trong tăm tối.
** Sự bình an của Chúa" câu 27-31
" Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi. 28 Các ngươi từng nghe ta nói rằng: Ta đi, và ta trở lại cùng các ngươi. Nếu các ngươi yêu mến ta, thì sẽ vui mừng về điều ta đi đến cùng Cha, bởi vì Cha tôn trọng hơn ta. 29 Hiện nay ta đã nói những điều đó với các ngươi trước khi xảy đến, để khi những điều đó xảy đến thì các ngươi tin. 30 Ta sẽ chẳng nói chi với các ngươi nữa, vì vua chúa thế gian nầy hầu đến; người chẳng có chi hết nơi ta. 31 Nhưng thế gian phải biết rằng ta yêu mến Cha, và làm theo điều Cha đã phán dặn. Hãy đứng dậy, chúng ta phải đi khỏi đây."
Người Do Thái khi găp hay chia tay nhau, thường chúc " Shalom" là bình an, như trong 1 Sa-mu-ên 1:17; Lu-ca 7:50; Công vụ 16:36 ...Theo thói quen họ thường làm như vậy, nhưng Chúa Giê-su muốn môn đồ biết rằng khi Ngài phán: Ta sẽ để lại sự bình an cho các ngươi, đó không phải là cách nói suông như hầu hết mọi người đã nói.
Thế gian với nhiều gian ác và dối trá sẽ không có một bình an thật, nhưng bình an Chúa ban cho, dựa trên Tình yêu mới là một Bình an hoàn hảo.
Muốn có sự Bình an Thật, người theo Chúa phải đặt đức tin mình vào Đức Chúa Trời và vào chính Chúa Giê su.
Chúa Giêsu không để lại tài sản cho những người theo Ngài trong di chúc cuối cùng. Dù vậy, Ngài đã ban cho họ hai điều lớn lao, hơn bất cứ một gia sản nào, là sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa Thánh Linh, và sự bình an của chính Ngài.
Chúa Giê su cẩn thận mô tả sự bình an nầy là ‘Sự bình an của Ta’ tức là sự bình an có năng lực, làm cho lòng chúng ta không bối rối và cũng không sợ hãi, nao núng trước mọi khó khăn và thử thách.
Shalom dùng chúc nhau khi từ biệt không giúp ích được trong hoạn nạn, nhưng Bình an mà Chúa Giê-su ban cho có thể làm người ta đứng vững với nghịch cảnh, khi chúng ta tin nơi Đức Chúa Trời và chính Chúa Giê su thì chúng ta không hề bối rối.
Chúng ta còn được nhận được Thánh Linh là Đấng giãi bày và an ủi. Chúa Giê su đã làm hết tất cả mọi sự để con cái Ngài luôn được bảo vệ và đứng vững vàng trong mọi hoàn cảnh.
Chúa Giê su còn muốn mọi người hân hoan khi nói đến lúc Ngài gặp gở Chúa Cha, có nghĩa là lúc Ngài thực hiện xong chương trình cứu rỗi.
Ngài nói : "bởi vì Cha tôn trọng hơn ta."Chúa Giê su bày tỏ sự thuận phục, để người ta nếu đã biết Đức Chúa Cha thì phải thuận phục Cha như Ngài và nhận biết Ngài từ Cha mà đến.
Dầu Vua Chúa Thế gian, cũng sẽ không có phần nào nơi Chúa Giê su - Gia sản của Chúa Giê su không để lại gì cho thế gian. Nhưng Chúa Giê su chuẩn bị mọi thứ cho con cái Ngài. Chúa trang bị cho họ vì công tác của họ dưới sự phụ giúp của Đức Thánh Linh mới chỉ bắt đầu.
Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ
I Cô rinh tô 15:12-23
Vả, nếu giảng dạy rằng Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, thì sao trong anh em có kẻ nói rằng những kẻ chết chẳng sống lại? 13 Nếu những kẻ không sống lại, thì Đấng Christ cũng đã chẳng sống lại nữa. 14 Lại nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì sự giảng dạy của chúng tôi ra luống công, và đức tin anh em cũng vô ích. 15 Lại nếu kẻ chết quả thật không sống lại, thì Đức Chúa Trời đã chẳng khiến Đấng Christ sống lại, mà chúng tôi đã làm chứng trái với Đức Chúa Trời rằng Ngài đã làm cho Đấng Christ sống lại, té ra chúng tôi làm chứng dối cho Đức Chúa Trời. 16 Vì nếu kẻ chết chẳng sống lại, thì Đấng Christ cũng đã chẳng sống lại nữa. 17 Và nếu Đấng Christ đã chẳng sống lại, thì đức tin anh em cũng vô ích, anh em còn ở trong tội lỗi mình. 18 Vậy, những kẻ ngủ trong Đấng Christ cũng phải hư mất đời đời. 19 Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết. 20 Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ. 21 Vả, vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết. 22 Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại, 23 nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Đấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại.