Giăng 16: " Hãy cứ vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi!"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Ai là người thắng hơn thế gian, há chẳng phải kẻ tin Đức Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời hay sao? " I Giăng 5:5

Giăng 16: " Hãy cứ vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi!"

 

Đọc Giăng 16: 21-33

 

Câu hỏi:

 

1/ Vì sao Chúa Giê su phải chết mà sau lại thành vui vẻ?

 

2/ Trước khi Chúa Giê su về Trời thì dân sự cần ai chuyển lời cầu nguyện đến với Đức Chúa Trời?
      Sau khi Chúa Giê su về Trời, Ngài sẽ làm gì ở bên cạnh Đức Chúa Trời?

 

3/ Chúa khuyến khích môn đồ làm điều gì trong việc cầu xin mà trước đó họ chưa hề làm?

 

4/ Tại sao Phao Lô trách những người giữ luật thờ phượng cũ, luôn giữ trong lòng bức màn ngăn cách trong đền thờ?
             Tại sao không tin Chúa Giê su thì không tương giao được với Đức Chúa Trời?

 

5/ Một người tin nhận Chúa, ngoài việc được sống lại ngày sau còn được gì nữa?

         Có cần nếm trải hết những điều đó thì sự vui mừng mới trọn vẹn không?

 

6/ Theo các bạn nhận xét, Đức Thánh Linh có cần thời gian hay bài bản để dạy dỗ, huấn luyện một người cho công việc Chúa Không?
       Học xong đoạn Kinh Thánh nầy, bạn có hoài bảo, mong ước nào nơi Đức Thánh Linh không?

               Muốn xin với Ngài không? Có ngại trình độ mình chưa xứng không?

 

                      "Hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!"

 

*** " Sự lo buồn các ngươi sẽ đổi làm vui vẻ. " câu 20-22

 

"Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, các ngươi sẽ khóc lóc, than vãn, còn người đời sẽ mừng rỡ; các ngươi sẽ ở trong sự lo buồn, nhưng sự lo buồn các ngươi sẽ đổi làm vui vẻ. 21 Người đàn bà, lúc sanh đẻ thì đau đớn, vì giờ mình đến rồi; song khi đứa con đã lọt lòng, người không còn nhớ sự khốn khổ mình nữa, mừng rằng mình đã sanh ra một người trong thế gian. 22 Khác nào như các ngươi hiện ở trong cơn đau đớn, nhưng ta sẽ lại thấy các ngươi, thì lòng các ngươi vui mừng, và chẳng ai cướp lấy sự vui mừng các ngươi được."

 

  Chỉ trong vài giờ nữa, các môn đồ thân yêu của Chúa Giê su sẽ bắt đầu nếm trải những nỗi buồn lần lượt đến, càng lúc càng nhiều hơn, y như cơn đau của người phụ nữ trong lúc chuyển dạ.


   Họ chắc chắn sẽ đau buồn vì mất đi mối quan hệ với người Thầy yêu mến, người mà họ hằng ngày gắn bó, trong suốt ba năm dài-

   Họ cũng sẽ đau buồn trước sự sỉ nhục của Thầy, Đấng họ tin là Đấng Mê-si của dân mình.

   Họ còn cay đắng hơn, trước sự đắc chí của kẻ thù. Cao điểm là lúc Chúa Giê su bị treo lên, chết trong đau đớn, mà họ không thể làm gì cho Ngài, chỉ còn lại

    một tấm lòng tan vỡ khi những gì họ hy vọng đều bị lấy đi.

 

Nhưng- đối với kế hoạch của Đức Chúa Trời, thì việc Chúa Giê su bị đóng đinh rồi chết, không phải là một trở ngại, nhưng là bước quyết định để hoàn thành chương trình cứu rỗi vĩ đại của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại từ thời điểm đó trở về sau.


  Người ta biết Satan khôn ngoan và gian ác, nhưng nó không toàn tri. Nó không ngờ việc Chúa Giê su bị hại, đã được Đức Chúa Trời tiên liệu và xử dụng.

 Để có sự vui mừng như Chúa Giê su dùng an ủi môn đồ, thì Ngài phải trả thay cái giá rất lớn cho tất cả các tội nhân. Ngày mà họ được tha trắng án, là ngày toàn thế giới phải vui mừng. Cái nọc của sự chết có từ thời A dam được xoá bỏ. Ai Tin nhận Chúa Giê su chết thay cho mình đều được cứu.

 

  Đức Chúa Trời không đem một niềm vui mới nào đó để thay chỗ cho nỗi buồn, nhưng Chúa Giê su nói rõ, Ngài biến nỗi buồn thành niềm vui, như Ngài vẫn thường làm trên đời sống chúng ta. Người phụ nữ có đau đớn khi sinh con, nhưng lúc con chào đời là lúc bà hạnh phúc nhất.

Trong tất cả các thư tín sau nầy của các sứ đồ, không ai viết một lời nào hối tiếc vì Chúa Giê su đã chết. Chúa Giê su không để họ viết lời thương cảm cho Ngài như một người chết, vì Ngài là Đấng sống. Họ đã truyền lại cho chúng ta một điều khẳng định, tất cả Tín đồ Đấng Christ đều mong đợi một Đấng còn sống và sẽ gặp.

 

*** " Sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn. " câu 23-27

 

"Trong ngày đó, các ngươi không còn hỏi ta về điều chi nữa. Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, điều chi các ngươi sẽ cầu xin nơi Cha, thì Ngài sẽ nhân danh ta mà ban cho các ngươi. 24 Đến bây giờ, các ngươi chưa từng nhân danh ta mà cầu xin điều chi hết. Hãy cầu xin đi, các ngươi sẽ được, hầu cho sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn. 25 Ta đã dùng ví dụ mà nói cho các ngươi mọi điều đó. Giờ đến, là khi ta chẳng còn dùng ví dụ mà nói cùng các ngươi nữa, nhưng khi ấy ta sẽ nói rõ ràng về Cha cho các ngươi. 26 Trong ngày đó, các ngươi sẽ nhân danh ta mà cầu xin, ta chẳng nói rằng ta vì các ngươi sẽ cầu xin Cha đâu; 27 vì chính Cha yêu thương các ngươi, nhân các ngươi đã yêu mến ta, và tin rằng ta từ nơi Cha mà đến."

 

  Chúa Giê su dường như cũng đang hân hoan với niềm vui của môn đệ, một viễn ảnh sau cái chết của Ngài. Chúa thật đáng yêu, dù giờ phút đau thương đang gần kề, Ngài không ngừng an ủi và khích lệ họ.

  Chúa không hứa suông như cha mẹ trần gian thường làm với con cái, nhưng Ngài tỏ cho họ biết sẽ còn nhiều ơn phước nữa, kín dấu và khép lại từ muôn đời trước, sẽ được tuôn ra từ mối tương giao được lập lại giữa Thượng đế và loài người.

   Điều mà con người chưa hề dám mơ ước là biết hết mọi điều về Đức Chúa Trời mà bây giờ Chúa Giê su gọi là Cha của họ. Biết đến độ họ sẽ không còn phải hỏi gì nữa, Chúa Giê su muốn nói đến Đức Thánh Linh- Đức Thánh Linh sẽ đến và bày tỏ hết mọi sự mầu nhiệm thuộc về Cha. Khi Đức Thánh Linh khiến họ biết gọi Đức Chúa Trời "Aba" nghĩa là "Cha" thì họ đã là con cái, họ được quyền nói chuyện, được cầu nguyện, được đưa thỉnh cầu lên với Cha -

 Lúc nào nhắc đến việc cầu xin nầy, Chúa Giê su đều nhắc môn đồ phải nhân danh Chúa Giê su mà cầu xin vì Ngài là Đấng Trung bảo - Trung gian và bảo đảm cho chúng ta được đến với Đức Chúa Trời.

  Cái chết chuộc tội của Chúa Giê su sẽ mở màn cho nhiều điều mới -Nó như một cuộc cách mạng, thay đổi một đế chế cũ. Một thời đại đầy ân điển thay thế cho cơ chế luật pháp và thờ phượng -

   Sẽ không còn Thầy Tế lễ làm trung gian với các thủ tục lễ nghi, vì chính Chúa Giê su sẽ làm Thầy Tế lễ luôn bên cạnh ngôi Đức Chúa Trời và con người sẽ được phép đang lên Ngài lời cầu xin qua Chúa Giê su.

 

Hê bơ rơ 9: 11-15: Một Thầy Tế lễ mới

 

" Nhưng Đấng Christ đã hiện đến làm thầy tế lễ thượng phẩm của những sự tốt lành sau nầy; Ngài đã vượt qua đền tạm lớn hơn và trọn vẹn hơn, không phải tay người dựng ra, nghĩa là không thuộc về đời nầy. 12 Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời. 13 Vì nếu huyết của dê đực bò đực cùng tro bò cái tơ mà người ta rưới trên kẻ ô uế còn làm sạch được phần xác thịt họ và nên thánh thay, 14 huống chi huyết của Đấng Christ, là Đấng nhờ Đức Thánh Linh đời đời, dâng chính mình không tì tích cho Đức Chúa Trời, thì sẽ làm sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết, đặng hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống, là dường nào! 15 Nhân đó, Ngài là Đấng trung bảo của giao ước mới, để khi Ngài chịu chết mà chuộc tội đã phạm dưới giao ước cũ, thì những kẻ được kêu gọi nhận lãnh cơ nghiệp đời đời đã hứa cho mình."

 

Hê bơ rơ 10: 14-16 Một cách thực thi luật pháp mới

 

" Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời. 15 Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta như vậy; vì đã phán rằng: 16 Chúa phán: Nầy là giao ước ta lập với chúng nó Sau những ngày đó, Ta sẽ để luật pháp ta vào lòng chúng nó Và ghi tạc nơi trí khôn "

 

Hê bơ rơ 9: 15 Một Giao ước mới

 

"Nhân đó, Ngài là Đấng trung bảo của giao ước mới, để khi Ngài chịu chết mà chuộc tội đã phạm dưới giao ước cũ, thì những kẻ được kêu gọi nhận lãnh cơ nghiệp đời đời đã hứa cho mình. "

 

Hê bơ rơ 10: 19-22 Một cách tiếp cận mới

 

"Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào nơi rất thánh, 20 bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài, 21 lại vì chúng ta có một thầy tế lễ lớn đã lập lên cai trị nhà Đức Chúa Trời, 22 nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa."

 

   Trước khi Chúa Giê su khuyến khích các môn đồ hãy dạn dĩ mà cầu xin với Đức Chúa Trời, Chúa Giê su muốn xoá đi nỗi khiếp sợ vốn đã có nơi loài người đối với Đức Chúa Trời, quan niệm nếu thấy mặt Ngài thì sẽ chết, huống chi nói chuyện với Ngài.

  Điều nầy không sai, vì con người không thể đứng nổi trước sự thánh khiết tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Sau khi Chúa Giê su về Trời thì người Tin Chúa, nhân danh Ngài được phép cầu xin trực tiếp nơi Chúa Cha - Chúa Giê su cho họ biết Chúa Cha cũng yêu thương họ như Ngài đã yêu thương họ.

  Kinh Thánh không chép rõ ai là người đầu tiên thực hiện lời cầu xin trực tiếp với Chúa, nhưng ngay trong sách Công vụ đoạn 1 có ghi: sau khi chứng kiến cảnh Chúa Giê su về Trời ( Thăng thiên) thì tất cả các môn đồ và những người theo Chúa, đã trở về chờ đợi Đức Thánh Linh như lời hứa ở một nơi gọi là phòng cao trên ngọn núi Ô li ve, nơi đó họ cầu nguyện cùng nhau: Công vụ 1: 13-14

"Khi đã về đến, bèn lên một cái phòng cao kia, là nơi Phi-e-rơ, Giăng, Gia-cơ, Anh-rê, Phi-líp, Thô-ma, Ba-thê-lê-my, Ma-thi-ơ, Gia-cơ con của A-phê, Si-môn Xê-lốt, và Giu-đe con của Gia-cơ thường ở. 14 Hết thảy những người đó bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện với các người đàn bà, và Ma-ri là mẹ Đức Chúa Jêsus cùng anh em Ngài."

 

Sau đó, họ còn bắt thăm và xin Chúa chỉ ra là giữa Ba sa ba và Mathia ai là người được Chúa chọn thay thế Giu đa Ích ca ri ốt và Ma thia được chỉ ra.



  Như vậy, có khoảng 120 người đã thực hiện lời hứa nầy của Chúa Giê su, và lập tức được đáp lời. Đức Chúa Trời yêu mến họ vì họ yêu mến Chúa Giê su và tin rằng Chúa Giê su từ nơi Đức Chúa Trời mà đến.

 

***"Hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!" Câu 28-33

 

"Ta ra từ Cha mà đến thế gian; nay ta lìa bỏ thế gian mà về cùng Cha. 29 Các môn đồ thưa rằng: Bây giờ thầy phán rõ ràng, và không phán bằng lời ví dụ. 30 Bây giờ chúng tôi biết thầy thông biết mọi điều, không cần phải có ai hỏi thầy; bởi đó nên chúng tôi tin thầy ra từ Đức Chúa Trời. 31 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Bây giờ các ngươi tin chăng? 32 Nầy, giờ đến, đã đến rồi, là khi các ngươi sẽ tản lạc, ai đi đường nấy, và để ta lại một mình; nhưng ta không ở một mình, vì Cha ở cùng ta. 33 Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!"

 

  Có thể nói câu 28 :"Ta ra từ Cha mà đến thế gian; nay ta lìa bỏ thế gian mà về cùng Cha" là câu ngắn nhất mà Chúa Giê su tóm lược công tác của Ngài trên đất.

  Ở đây Chúa đệm vô lời từ giả thật nhẹ nhàng, Ngài sẽ lìa bỏ thế gian. Nhưng Ngài không chết, sứ mạng xong thì Ngài trở về cùng Cha.


**Bây giờ chúng tôi đã hiểu:


  Cuối cùng, các môn đồ chấp nhận một sự thật về việc Chúa Giê su ra đi mà không còn nghi ngờ gì nữa, rằng Ngài sẽ lìa họ bởi cái chết.
   Họ còn thú nhận cách đáng thương, là lần nầy họ có thể hiểu vì Chúa Giê su nói thẳng mà không dùng ví dụ.

     Khi đọc đến đây, chúng ta có nhận xét gì?

 

   Các môn đồ đa số làm nghề đánh cá, bản chất đơn sơ, học vấn thấp, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Đức Thánh Linh đã biến tất cả bọn họ thành những nhà lãnh đạo xuất sắc, mỗi người đều có sự hiểu biết sâu rộng về Kinh Thánh, về đạo Chúa cách rất đồng đều.

 Tuy vậy, mỗi một sách họ viết, có mang những sắc thái khác nhau, vì Đức Thánh Linh muốn dùng sự khác biệt đó, để dẫn chúng ta vào Lẽ Thật cách phong phú và linh động.

Phi e rơ là một ví dụ minh chứng về sự soi dẫn tuyệt vời của Đức Thánh Linh. Từ thời điểm chia tay nầy là Lễ Vượt qua, cho đến ngày mà Phi e rơ được Đức Thánh Linh cảm động để giảng một bài giảng, khiến cho ba ngàn người tin nhận Chúa Giê su trong ngày lễ Ngủ tuần, chỉ có 50 ngày, chưa được 2 tháng.


  Theo Kinh thánh, có 50 ngày giữa Lễ Vượt Qua và Lễ Ngũ Tuần, được gọi là Shavuot trong tiếng Do Thái. Suốt thời gian đó, ông Phi e rơ làm gì? Ông cũng buồn, thất vọng như các bạn của mình, rồi theo họ trở về làng cá.

     Ở đó, bọn họ gặp lại Chúa Giê su, Ngài nhắc lại mọi điều Ngài đã hứa, rồi khi Chúa Giê su thăng thiên, Phi e rơ cùng với tất cả người theo Chúa trở về núi Ô li ve chờ đợi Đức Thánh Linh ban xuống.

   Kinh Thánh không nói họ ở đó bao lâu, nhưng họ đã có một thời gian khá dài để ở với nhau và cầu nguyện, điều lý thú mà chúng ta được biết là khi Đức Thánh Linh giáng xuống, thì Phi e rơ ngay lập tức giảng được một bài giảng phi thường.

   Một người đánh cá có thể lý giải được những câu nói tiên tri mầu nhiệm về Chúa Giê su của Vua Đa vít. Bài giảng của ông cũng đầy quyền phép làm cho đám đông cảm động để muốn Tin nhận Chúa Giê su, người mà giáo quyền đã lên án là phạm thượng và cũng đã giết Ngài.

 Như vậy, Đức Thánh Linh còn có thể biến một người thô sơ trong học vấn, có kiến thức như một giáo sư chỉ trong nửa ngày.


  Dù Chúa Giê su có bảo họ rằng các người chớ ngại phải nói gì khi cần thiết, lúc đối đầu, vì Đức Thánh Linh sẽ đặt lời trong miệng ngươi. Sự hiểu biết mà Đức Thánh Linh ban cho Phi e rơ dù trong chớp nhoáng để làm công việc Chúa, Ngài cũng sẽ không lấy lại. học thức đó được ban cho Phi e rơ mãi mãi và càng thêm nữa.

Điều cảm động thật sự trong đoạn nầy là trước khi chia tay, các môn đồ biết Chúa Giê su sẽ bị nộp, họ không thể giúp Thầy, họ muốn làm điều gì đó tôn kính Thầy: Họ trân trọng tuyên xưng đức tin của mình với Ngài và với Đức Chúa Trời, rằng họ tin Ngài có khả năng toàn tri, thông biết trước mọi điều, và quan trọng nhất là tin Thầy của họ ra từ Đức Chúa Trời.

Hai niềm tin đó thật quan trọng với các môn đồ, tin lời Chúa Giê su và tin thân vị của Ngài -

Tuy vậy, Chúa Giê su báo trước cho họ biết, họ sẽ bị tan lạc và Chúa Giê su cũng bị cách ly. Chúa không muốn họ lo cho Ngài, mặc cảm không thể giúp Ngài. Chúa bảo họ chớ nghĩ rằng Ngài cô đơn, Ngài còn có Cha ở cùng để họ không phải lo lắng.

  Bây giờ các ngươi tin chăng? Chúa Giê su muốn họ tiếp nhận lời Ngài cách nghiêm túc là hoạn nạn lớn sẽ đến với tất cả, nhưng Chúa Giê su muốn họ cứ ở trong sự bình an vì Ngài cuối cùng sẽ chiến thắng Thế gian.

  Chúa Giê su không nói Ngài chiến thắng các Thầy Pha ri si và Thấy Tế lễ, những kẻ đóng đinh Ngài, nhưng Chúa nói Ngài " Overcome the World" "Chế ngự Thế gian" và sự chết để giành lại những kẻ thuộc về Đức Chúa Trời mới thật sự là mục đích của Chúa Giê su.



 

·