Giăng 18 "Chúa Giê su bị thẩm vấn bất hợp pháp và thô bạo"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

Ngài phán rằng: Sao các ngươi ngủ? Hãy đứng dậy cầu nguyện, để cho khỏi sa vào sự cám dỗ. Lu ca 22: 46

Giăng 18 "Chúa Giê su bị thẩm vấn bất hợp pháp và thô bạo"

 

Đọc Giăng 18:12 - 27

 

Câu hỏi:

 

1/ Vì sao quân La mã lại hợp tác với các Thầy Tế lễ đi bắt Chúa Giê su ?
Thời Chúa Giê su hệ thống nào có thể xử dân Giu đa trực tiếp? Qua luật nào?

 

2/ Điều gì xảy ra khi cả nhà Thầy Cả An- ne nắm hết quyền lực trong tay?
       Sách sử và Kinh Thánh ghi lại họ là những người thế nào?

 

3/ Ai là người chạy theo Chúa Giê su vào nhà Thầy Cả An ne? Để làm gì?
       Hai người đó có tình cảm đặt biệt gì với Chúa Giê su?

 

4/ Chúa Giê su bị thẩm vấn ra sao?

           Ngài vạch ra những sai trái gì của họ trong câu trả lời?

 

5/ Tại sao Phi e rơ phải chối Chúa? Ông chối Chúa trong hoàn cảnh nào?

 

6/ Việc Phi e rơ chối Chúa được kinh thánh ghi lại với mục đích gì?
Vì sao Chúa Giê su vẫn dành cho ông cho một chức vụ lớn nhất trong các môn đồ?

 


      "Chúa Giê su bị thẩm vấn bất hợp pháp và thô bạo"

 

** " An-ne và Cai phe là ai?" Câu 12-14

 

" Bấy giờ, cả cơ binh, người quản cơ và những kẻ sai của dân Giu-đa bắt Đức Chúa Jêsus trói lại. 13 Trước hết chúng giải Ngài đến An-ne; vì người nầy là ông gia Cai-phe làm thầy cả thượng phẩm đương niên. 14 Vả, Cai-phe là người đã bàn với dân Giu-đa rằng: Thà một người chết vì dân thì ích hơn."

 

  Như chúng ta đã biết, lính La mã được phái tới bắt Chúa Giê su rất đông, đứng đầu bọn họ là một sĩ quan, trong tiếng anh gọi ông ta là Captain-

 Ông ta thi hành mênh lệnh từ chính quyền La mã, phối hợp với tay sai của các Thầy Tế Lễ, đó là qui cách mà La mã đã cho phép dân Do Thái được áp dụng luật pháp dựa trên luật Môi se của họ trên dân họ.

  Các Thầy Tế Lễ trong đền thờ được áp dụng luật nầy để phán xử dân chúng.

 Họ có thể bắt giam, đánh phạt, thi hành đủ các thứ, nhưng không được quyền tử hình, quyền đó phải do La mã quyết định.

 Hệ thống nầy được các nhà sử học gọi là hệ thống phân cấp (the action of the Jewish hierarchy.” Vì vậy, sau nầy, các Thầy Tế Lễ phải giải Chúa Giê su cho Phi Lát và tìm một lý do khác để Phi Lát phải xử Chúa Giê su tội chết.

Chúa Giê su bị giải đến ra mắt An ne đầu tiên, vậy An ne là ai?


     An-ne không phải là thầy Tế lễ thượng phẩm chính thức hiện tại, nhưng với tư cách là cha vợ của Cai-pha, ông ta bổ nhiệm Cai-pha vào chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng phẩm. Giáo sư Barclay viết rằng:

" An-ne là người nắm quyền lực đằng sau ngai vàng ở Jerusalem. Bản thân ông đã từng là Thầy tế lễ thượng phẩm từ năm 6 đến năm 15 sau Công nguyên. Bốn người con trai của ông cũng đã giữ chức tư tế thượng phẩm và Caipha là con rể của ông."



  Như một cái cây cổ thụ có nhiều nhánh vững chắc, An-ne và gia đình ông đã điều hành toàn thể dân Do Thái thời đó, có quyền hành như một ông vua và An ne được diễn tả chân dung trong Talmud - Một tập hợp các tác phẩm Do Thái cổ được người Do Thái tôn giáo truyền thống coi là thiêng liêng và chuẩn mực, chép về An-ne như sau:

"‘Khốn thay cho nhà Annas! Khốn thay cho tiếng rít của con rắn nhà họ! Họ là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm; con trai của họ là người giữ kho bạc; con rể của họ là người canh giữ Đền thờ; và đầy tớ của họ dùng gậy đánh dân.’ Annas và gia đình họ đã khét tiếng.”

 

  Chúa Giê su bị dẫn tới An ne trước tiên, người ta tin chắc rằng có động cơ cho hành động đó. Theo một nghĩa nào đó, An-ne được coi như kẻ có mối thù địch lớn nhất với Chúa Giêsu - Ông ta độc dữ và vô đạo đức, việc trình báo cho ông ta trước tiên, chứng tỏ ông ta là người đứng đầu trong vụ bắt bớ.

Trong việc thẩm vấn Chúa Giê su, Giăng chỉ nêu tên hai Thầy Tế lễ cầm đầu là An-ne và Cai Phe - Giăng cũng thêm ở đây một lời của Cai phe đã tuyên bố:

"Cai-phe là người đã bàn với dân Giu-đa rằng: Thà một người chết vì dân thì ích hơn."

để mọi người thấy rằng cái chết của Chúa Giê su đã được họ định trước rồi.


Câu tuyên bố nầy cố gán ghép cho Chúa Giê su một ý tưởng bóng gió về chính trị, cho rằng sự nổi tiếng của Chúa Giê su có thể sẽ làm cho La mã nghi ngờ và với lý do đó, họ tàn diệt dân Do Thái.

 
  Tuy lời tuyên bố của Cai phe là một âm mưu đen tối, nhưng theo nghĩa bóng, nó là lời báo trước vô tình rằng: Chúa Giê su sẽ chết vì ích lợi của nhiều người. Ngài cũng để cho mình chịu trói, vì sợi dây ràng buộc của Tình yêu đối với chúng ta.

Có phiên toà nào được xem là công bằng khi chưa xét xử đã phán quyết tội chết? Họ không phải là thẩm phán, nhưng họ giống những chính trị gia gian ác hơn.

 

** Hai môn đồ đi theo Chúa Giê su: câu 15 &16

 

"Si-môn Phi-e-rơ với một môn đồ khác theo sau Đức Chúa Jêsus. Môn đồ đó có quen với thầy cả thượng phẩm, nên vào với Đức Chúa Jêsus trong sân thầy cả thượng phẩm. 16 Song Phi-e-rơ đứng ngoài, gần bên cửa, Môn đồ kia, tức là người quen với thầy cả thượng phẩm, đi ra nói cùng người đàn bà canh cửa, rồi đem Phi-e-rơ vào."

 

  Có người nói vì Phi e rơ đã không làm gì được để bảo vệ Chúa Giê su khi bị bắt, nên muốn đi theo Chúa để tìm một cơ hội thứ hai, chứng tỏ mình đồng sống, đồng chết với Ngài, điều nầy không đúng lắm.

  Trong tất cả các môn đồ có mặt lúc Chúa Giê su bị bắt, chỉ có một mình Phi e rơ dám rút gươm ra bảo vệ Ngài, chúng ta không nên nhấn mạnh về sự nông nổi của Phi e rơ, mà để nó lấn át tình cảm của ông đối với Chúa. Chỉ có hai môn đồ chạy theo Chúa trong giờ phút nghiêm trọng như vậy, đó là hai người yêu Chúa nhiều nhất và ngược lại, cũng là hai người được Chúa Yêu nhiều nhất.


  Tình cảm của Phi e rơ với Chúa còn thể hiện một sự so sánh và hình như ghen tỵ với môn đồ Chúa yêu kia, chính là ông Giăng, khi Chúa bảo Phi e rơ: " Hãy theo Ta" thì Phi e rơ nhìn Giăng hỏi Chúa trong Giăng 21: 20-21

" Phi-e-rơ xây lại, thấy môn đồ mà Đức Chúa Jêsus yêu đến sau mình, tức là người đang bữa ăn tối, nghiêng mình trên ngực Đức Chúa Jêsus mà hỏi rằng: Lạy Chúa, ai là kẻ phản Chúa? 21 Khi thấy người đó, Phi-e-rơ hỏi Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, còn người nầy, về sau sẽ ra thế nào? 22 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: nếu ta muốn người cứ ở cho tới khi ta đến, thì can hệ gì với ngươi? Còn ngươi, hãy theo ta."

 

  Phi e rơ và Giăng chạy theo Chúa Giê su vì trái tim mình, họ thừa biết họ không thể làm gì được nữa, chỉ là muốn thấy Thầy mình ra sao mà thôi. Ở đây có một điều thú vị là Giăng lại có quen với nhà Thầy Tế Lễ nên vào trong trước, còn Phi e rơ phải đứng ngoài cửa mà nghe ngóng.


 Khi người ta đọc Kinh Thánh kỹ lưỡng thì người ta sẽ không bỏ qua chi tiết nầy của ông Giăng. Có câu hỏi nêu lên:

 " Tại sao Giăng lại quen với Thầy Tế lễ và luôn cả các người hầu?"

Rõ ràng ông Giăng đã bảo lãnh để đầy tớ cho Phi e rơ được vào bên trong.


Đây là sách Giăng, mà ông Giăng không giải thích mối liên hệ nầy, mặc dù các học giả đã đánh giá rằng ông Giăng là môn đồ cung cấp nhiều chi tiết đầy đủ nhất về Chúa Giê su, là một nhân chứng sống động của Ngài.


  Người ta bắt đầu tự ý bổ túc vào khoảng trống nầy của ông Giăng, có người bảo rằng cha con ông Giăng đã từng, và thường đem những con cá mập mạp cung cấp cho nhà Thầy Tế Lễ, vì trong các cửa của đền thờ Giê ru sa lem, có một cửa lớn, được gọi là Cửa Cá (Fish Gate) thông ra một chợ cá bên ngoài, nơi hằng ngày người ta tấp nập mua bán cá từ Biển hồ hay biển Địa trung Hải gần đó. Nhà ông Giăng vì thế mà quen nhà Thầy Tế lễ.


  Giả thuyết Giăng quen biết qua giao dịch không hợp lý lắm, vì con đường từ biển hồ Ti bê ri át nơi nhà ông Giăng sinh sống cách Giê ru sa lem đến gần 150 km, một đoạn đường xa như vậy không phải thuận tiện cho việc vận chuyển cá để nó còn tươi tốt.

Nhóm khác lại cho rằng Giăng quen biết với nhàThầy Tế lễ qua một mối liên hệ khác, thí dụ như qua hôn nhân trong dòng họ hay trong gia đình ông. Dù sao, ông Giăng đã không hề nói thêm gì về điều nầy, thì chúng ta cũng không cần thắc mắc, tuy nhiên, trong câu sau nó có một cái móc nối nhỏ trong việc Phi e rơ chối Chúa.



** " Phi e rơ chối Chúa ba lần" Câu 17-27

 

"Bấy giờ, con đòi đó, tức là người canh cửa, nói cùng Phi-e-rơ rằng: Còn ngươi, cũng là môn đồ của người đó, phải chăng? Người trả lời rằng: Ta chẳng phải. 18 Các đầy tớ và kẻ sai vì trời lạnh nhúm một đống lửa, rồi đứng gần một bên mà sưởi. Phi-e-rơ đứng với họ, và cũng sưởi. 19 Vậy, thầy cả thượng phẩm gạn hỏi Đức Chúa Jêsus về môn đồ Ngài và đạo giáo Ngài. 20 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta từng nói rõ ràng cùng thiên hạ; ta thường dạy dỗ trong nhà hội và đền thờ, là nơi hết thảy dân Giu-đa nhóm lại, chớ ta chẳng từng nói kín giấu điều gì. 21 Cớ sao ngươi gạn hỏi ta? Hãy hỏi những kẻ đã nghe ta nói điều chi với họ; những kẻ đó biết điều ta đã nói. 22 Ngài đang phán như vậy, có một người trong những kẻ sai có mặt tại đó, cho Ngài một vả, mà rằng: Ngươi dám đối đáp cùng thầy cả thượng phẩm dường ấy sao? 23 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ví thử ta nói quấy, hãy chỉ chỗ quấy cho ta xem; nhược bằng ta nói phải, làm sao ngươi đánh ta? 24 An-ne bèn sai giải Đức Chúa Jêsus vẫn bị trói đến Cai-phe là thầy cả thượng phẩm. 25 Vả lại, Si-môn Phi-e-rơ đang đứng sưởi đằng kia, thì có kẻ hỏi người rằng: Còn ngươi, ngươi cũng là môn đồ người phải không? Người chối đi mà trả lời rằng: Ta không phải. 26 Một người đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, bà con với người mà Phi-e-rơ chém đứt tai, nói rằng: Ta há chẳng từng thấy người ở trong vườn với người sao? 27 Phi-e-rơ lại chối một lần nữa; tức thì gà gáy."

 

  Đây là một đoạn KT đan xen giữa cuộc thẩm vấn Chúa Giê su bởi Thầy Cả An ne ở bên trong, và mẫu chuyện giữa Phi e rơ với những người đầy tớ ở bên ngoài. Chúng ta không biết làm cách nào mà ông Giăng có thể vừa có mặt bên trong lại vừa nghe được bên ngoài. Theo nhận định, thì Giăng chắc không được phép vào trong chỗ thẩm vấn, có thể chỉ nghe ngóng mà thôi. Như vậy chúng ta nên tách hai sự kiện nầy ra khỏi nhau để thấy được rõ hơn.

 

** Chúa Giê su từ chối trả lời An ne" câu 19-21

 

" Vậy, thầy cả thượng phẩm gạn hỏi Đức Chúa Jêsus về môn đồ Ngài và đạo giáo Ngài. 20 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta từng nói rõ ràng cùng thiên hạ; ta thường dạy dỗ trong nhà hội và đền thờ, là nơi hết thảy dân Giu-đa nhóm lại, chớ ta chẳng từng nói kín giấu điều gì. 21 Cớ sao ngươi gạn hỏi ta? Hãy hỏi những kẻ đã nghe ta nói điều chi với họ; những kẻ đó biết điều ta đã nói. 22 Ngài đang phán như vậy, có một người trong những kẻ sai có mặt tại đó, cho Ngài một vả, mà rằng: Ngươi dám đối đáp cùng thầy cả thượng phẩm dường ấy sao? 23 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ví thử ta nói quấy, hãy chỉ chỗ quấy cho ta xem; nhược bằng ta nói phải, làm sao ngươi đánh ta? 24 An-ne bèn sai giải Đức Chúa Jêsus vẫn bị trói đến Cai-phe là thầy cả thượng phẩm."

 

Có hai điều mà Thầy cả Anne muốn biết, là Chúa Giê su dạy điều gì? và những người theo Ngài là ai?

Chúa Giê su không hề tiết lộ tên các môn đồ, Ngài cũng không chấp nhận cách điều tra khuất lấp giữa đêm khuya của Thầy cả. Thay vì trả lời, Chúa Giê su đề nghị ông ta hỏi nhân chứng, rất nhiều nhân chứng, vì Ngài giảng đạo ngay trong Đền thờ và nhà Hội, nơi rất nhiều dân Giu đa đến nghe. Thầy cả hỏi để gài bẩy, không phải để làm sáng tỏ tội phạm, nhưng để có cách buộc tội.

 

 Câu trả lời của Chúa Giê su làm họ thất vọng nên họ giận dữ và thô bỉ tát Ngài. Kẻ đánh Chúa Giê su không bị nêu tên, nhưng cách đánh của anh ta được diễn tả chi tiết trong tiếng anh là anh ta dùng lòng bàn tay mình để đánh Chúa (one of the officers who stood by struck Jesus with the palm of his hand) khi họ tỏ lộ quyền lực, thì cái tát nầy không hề nhẹ, nó cảnh cáo Chúa rằng nó có quyền làm hơn thế nữa.

 

 Trong sách Luca 23: 34 Chúa Giê su có cầu xin Cha tha thứ cho những người phạm đến Con Đức Chúa Trời, khi Ngài bị chúng sĩ nhục và treo lên thập tự rằng:

"Song Đức Chúa Jêsus cầu rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì."

 

  Ở đây tuy tên của kẻ nầy không bị nêu ra, nhưng tội ác nó được ghi lại cách chi tiết, và qua câu hỏi của Chúa Giê su, chứng tỏ Thầy Cả và bọn tay sai đang làm điều sai trái, thẩm tra không nhân chứng và đánh người vô cớ.

Chúa Giêsu đã phơi bày sự thật đáng xấu hổ rằng họ đã không tuân theo các tiêu chuẩn và thực hành công lý của chính họ với Chúa Giêsu người Nazareth.

Liền sau đó, An ne sai trói Chúa Giê su dẫn đến Caipha, Thầy Tế Lễ Thượng phẩm đương thời. An ne không thể trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu về sự công bình. Ông ta đưa Chúa Giê-su đến một phiên tòa chính thức hơn, dành cho người giữ chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm thực sự, và trói Chúa Giê-su như thể Ngài là một tội phạm nguy hiểm.


  Đây cũng là lúc Phi e rơ và Chúa Giê su gặp nhau lần cuối trước khi Chúa bị hành hình, là lúc con gà gáy khoảng 3 giờ sáng ở xứ Y sơ ra ên. Cũng là lúc Phi e rơ buồn khổ, tan nát cỏi lòng vì sự thất bại của mình, và vì ánh mắt yêu thương mà Chúa Giê su nhìn ông.

       Vì sao Phi e rơ chối Chúa đến ba lần?

 

*** " Phi e rơ bị Sa tan nhắm trúng" câu 17 &18 -25-27

"Bấy giờ, con đòi đó, tức là người canh cửa, nói cùng Phi-e-rơ rằng: Còn ngươi, cũng là môn đồ của người đó, phải chăng? Người trả lời rằng: Ta chẳng phải. 18 Các đầy tớ và kẻ sai vì trời lạnh nhúm một đống lửa, rồi đứng gần một bên mà sưởi. Phi-e-rơ đứng với họ, và cũng sưởi."

" Vả lại, Si-môn Phi-e-rơ đang đứng sưởi đằng kia, thì có kẻ hỏi người rằng: Còn ngươi, ngươi cũng là môn đồ người phải không? Người chối đi mà trả lời rằng: Ta không phải. 26 Một người đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, bà con với người mà Phi-e-rơ chém đứt tai, nói rằng: Ta há chẳng từng thấy người ở trong vườn với người sao? 27 Phi-e-rơ lại chối một lần nữa; tức thì gà gáy."

 

Trên một trang web The Network có một bài của Mục sư Peter Hoytema, với tựa đề " The Other Disciple" " Môn đồ kia" Mục sư viết:

 

"Điều thú vị cần lưu ý ở đây không phải sự đặc biệt mà Giăng có được trong hoàn cảnh nầy, nhờ mối quan hệ của Giăng với Thầy tế lễ Thượng phẩm. Nhưng có một điều khác nữa, là cô hầu gái của Thầy Tế Lễ đã biết về người môn đệ kia, rằng Giăng là môn đệ của Chúa Giêsu.


Làm sao cô ấy biết điều đó? Nó ẩn chứa trong câu hỏi mà cô ta hỏi Phi e rơ, điều nầy đã dẫn đến ba lần hỏi và ba lần từ chối của Phi e rơ."


Mục sư Hoytema chỉ ra rằng có bản dịch đã bỏ qua hai từ Hy lạp quan trọng là hai từ " kai su ' có nghĩa " và bạn" Thế thì câu hỏi lần đầu tiên của cô ta phải như thế nầy:

   " Bấy giờ, con đòi đó, tức là người canh cửa, nói cùng Phi-e-rơ rằng: Còn ngươi (và bạn), cũng là môn đồ của người đó, phải chăng?

      Người trả lời rằng: Ta chẳng phải. Như vậy, cô ta đã biết Giăng là môn đồ Chúa Giê su, Giăng dám nói ra nhưng Phi e rơ lại nói mình không phải.


Có hai người ở trong cùng một hoàn cảnh, nhưng Chúa Giê su chỉ cảnh báo một mình Phi e rơ chứ không phải Giăng. Rằng Phi e rơ tuyên bố mạnh mẽ, nhưng sẽ chối Chúa đến ba lần.


Chúa Giê su không trách Phi e rơ, Ngài thấy Sa tan đang nhắm vào ông, nó biết Chúa sẽ dùng Phi e rơ làm đầu Hội Thánh sau nầy, nó muốn Phi e rơ xấu hổ và vấp ngã tai nơi yếu điểm của mình là không lượng sức mình, và nó muốn tiêu diệt lòng sốt sắng, tình yêu của Phi e rơ đối với Chúa Giê su.


Chúa Giê su chỉ nói với Phi e rơ rằng: " Ta thấy Sa tan muốn sàng sẩy ngươi như lúa mì " Chúa Giê su cầu nguyện nhiều cho Phi e rơ, nhưng chính ông lơ là với hiểm hoạ đó. Chúng ta không nên chê cười Phi e rơ vì ông thất bại, bàn tay của Sa tan rất hiểm độc, khi chúng ta không cầu nguyện đủ, chính là lúc nó ra tay. Nhiều con cái Chúa đã vì thế vấp ngã và không thể đứng dậy được.

 

Mục sư Hoytema tâm sự rằng, tôi biết ơn những người bên cạnh tôi, như ông Giăng, những người có đức tin lớn mạnh hơn tôi, dù họ không phải Mục sư nhưng tôi được học nơi họ và tôi được nhờ họ mà đứng vững.

 

  Phi e rơ đã chối Chúa ba lần rất dễ dàng, ông không bị tra tấn, không bị áp bức bới nhà cầm quyền, không bị gì cả, nhưng chỉ với những câu hạch hỏi của đám đầy tớ mà Phi e rơ lại bị té ngã trong đó.

 Thật khó phân tích, khi một con người mới vừa can đảm cầm gươm chém nhà cầm quyền vài giờ trước, bây giờ lại quá sợ hải trước mấy đứa đầy tớ. Câu 25 một lần nữa cho thấy đám đầy tớ biết Giăng theo Chúa Giê su nên hỏi Phi e rơ:

" Vả lại, Si-môn Phi-e-rơ đang đứng sưởi đằng kia, thì có kẻ hỏi người rằng: Còn ngươi, ngươi cũng là môn đồ người phải không? Người chối đi mà trả lời rằng: Ta không phải."

Hai chữ " cũng là" xác định có môn đồ kia theo Chúa.


Phi e rơ đã không may mắn khi có một nhân chứng sống trong việc ông chém đứt cái tai của một tên hầu Thầy tế lễ nhận diện ông - Trong Ma thi ơ 26: 34 nói Phi-e-rơ chối lần thứ ba bằng cách rủa và chửi thề, hy vọng rằng điều này sẽ khiến họ tin quyết rằng ông không có liên quan gì đến Chúa Giê-su.

 

Con gà đã gáy vào lúc Phi e rơ chối Chúa mạnh mẽ đến lần thứ ba. Điều này ứng nghiệm những gì Chúa Giê-su đã nói trong Giăng 13:38, và hẳn đã ngay lập tức nhắc nhở Phi-e-rơ về lời tiên tri mà Chúa Giê-su đã cảnh báo cho ông. Lu ca 22: 62&61 chép lại tâm trạng Phi e rơ lúc đó:

" Chúa xây mặt lại ngó Phi-e-rơ. Phi-e-rơ nhớ lại lời Chúa đã phán cùng mình rằng: Hôm nay trước khi gà chưa gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần; 62 rồi đi ra ngoài, khóc lóc thảm thiết."

Chẳng phải một mình Phi e rơ khóc lóc thảm thiết, rất nhiều người trong chúng ta cũng có lúc tuôn ra những giọt nước mắt buồn khi nhớ lại lúc mình thất bại và ngã xuống cách quá dễ dàng, vì không tỉnh thức, thiếu đức tin và cũng thiếu cầu nguyện.

Kinh nghiệm đau đớn và cái nhìn đầy yêu thương của chúa Giê su làm cho Phi e rơ được trưởng thành. Ông biết ông cần đến Đức Thánh Linh để đối đầu với Sa tan. Ông chắc hứa với mình sẽ không bao giờ chối bỏ Chúa. Ông ăn năn và được Chúa tha thứ, Chúa Giê su đã cất nhắc Phi e rơ lên, Ngài trao Hội Thánh Ngài cho ông sau khi hỏi ông ba lần: " Ngươi yêu Ta chăng?"

         Phi e rơ chính là vị Giáo hoàng đầu tiên của giáo hội Cơ đốc .

  

Talmud là một tập hợp các tác phẩm Do Thái cổ được người Do Thái tôn giáo truyền thống coi là thiêng liêng và chuẩn mực.

Từ "Talmud" xuất phát từ động từ tiếng Do Thái có nghĩa là dạy hoặc học, và Talmud là bản ghi chép về những lời dạy của giáo sĩ Do Thái kéo dài từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ bảy CN

Đây là tác phẩm trọng tâm của người Do Thái bao gồm nhiều chủ đề liên quan đến cuộc sống của người Do Thái, bao gồm Shabbat, lễ hội, phước lành và kiêng ăn. Talmud cũng là nguồn của bộ luật Do Thái, Halakhah.