Giăng 8:"Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi, đừng phạm tội "
"Ấy chính ta, là Đấng vì mình ta mà xóa sự phạm tội ngươi; ta sẽ không nhớ đến tội lỗi ngươi nữa." Ê sai 43: 25
Giăng 8: " Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi, đừng phạm tội nữa "
Câu hỏi:
1/ Tại sao Chúa Giê su vẫn kiên trì giảng dạy, trong không khí thù nghịch của bậc cầm quyền?
2/ Chúa Giê su làm nhiệm vụ trong một bối cảnh tinh thần và vật chất như thế nào?
những trở ngại đó có làm Chúa nản lòng không?
3/ Tại sao bậc cầm quyền lại đem một tội nhân nữ đến trước Chúa?
Họ có ý tốt không?
4/ Chúa Giê su có nghe, hay hùa theo những người lên án người phụ nữ đó không?
lúc mọi người phấn khích lên án thì Ngài làm gì? Chứng tỏ Chúa có bản tính gì?
5/ Chúa Giê su bảo đám đông làm gì, khiến họ bỏ đi?
6/ Người phụ nữ có tội không? Khi bà gặp được Chúa Giê su bà nhận được điều gì?
bà xứng đáng không?
" Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi, đừng phạm tội nữa "
**" Người đàn bà tà dâm" câu 1-11
" Đức Chúa Jêsus lên trên núi ô-li-ve. Nhưng đến tảng sáng, Ngài trở lại đền thờ; cả dân sự đều đến cùng Ngài, Ngài bèn ngồi dạy dỗ họ. Bấy giờ, các thầy thông giáo và các người Pha-ri-si dẫn lại cho Ngài một người đàn bà đã bị bắt đang khi phạm tội tà dâm; họ để người giữa đám đông, mà nói cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Thưa thầy, người đàn bà nầy bị bắt quả tang về tội tà dâm. Vả, trong luật pháp Môi-se có truyền cho chúng ta rằng nên ném đá những hạng người như vậy; còn thầy, thì nghĩ sao? Họ nói vậy để thử Ngài, hầu cho có thể kiện Ngài. Nhưng Đức Chúa Jêsus cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi nữa, thì Ngài ngước lên và phán rằng: Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người. Rồi Ngài lại cúi xuống cứ viết trên mặt đất. Khi chúng nghe lời đó, thì kế nhau mà đi ra, những người có tuổi đi trước; Đức Chúa Jêsus ở lại một mình với người đàn bà, người vẫn đang đứng chính giữa đó. Đức Chúa Jêsus bấy giờ lại ngước lên, không thấy ai hết, chỉ có người đàn bà, bèn phán rằng: Hỡi mụ kia, những kẻ cáo ngươi ở đâu? Không ai định tội ngươi sao? Người thưa rằng: Lạy Chúa, không ai hết. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta cũng không định tội người; hãy đi, đừng phạm tội nữa."
** "Chúa Giê su ngủ trên núi Ô li ve"
Có hai câu trong Luca 21: 37&38 được các nhà nghiên cứu về Kinh Thánh cho rằng nó phải nằm ở trước đoạn Giăng 8 nầy mới hợp lý:
"Vả, ban ngày, Đức Chúa Jêsus dạy dỗ trong đền thờ; còn đến chiều, Ngài đi lên núi, gọi là núi Ô-li-ve, mà ở đêm tại đó. Vừa tảng sáng, cả dân sự đến cùng Ngài trong đền thờ, đặng nghe Ngài dạy."
Như vậy, Chúa Giê su còn giảng ở trong đền thờ vài ngày sau Lễ Lều Tạm (Giăng 7:37) - Mặc dù các Thầy Tế Lễ và người Pha ri si muốn bắt Chúa, nhưng đám đông dân chúng vẫn còn tụ tập ở đó vì muốn nghe sứ điệp lạ lùng của Chúa.
Lúc mọi người đang trong mùa lễ ăn uống, vui vẻ, thì Chúa Giê su phải làm việc nhiều hơn, vì đó là cơ hội cho nhiều người được nghe sứ điệp. Giăng chép rằng tảng sáng Chúa đã có mặt ở đền thờ, vì mọi người đang trông đợi Chúa, đến tối, khi người ta về nhà, Ngài phải lên núi Ô li ve mà ngủ, để sáng mai có thể đến đền thờ được sớm. Có lẽ suốt mấy ngày, Chúa Giê su phải ngủ ngoài trời. Núi Ô li ve cũng là nơi Chúa Giê su hay đến cầu nguyện với Cha Ngài.
** " Tội tà dâm trong luật Môi se"
Trong khi Chúa Giê su đang giảng dạy thì người ta mang đến trước Ngài và dân chúng một phụ nữ cho là bị bắt quả tang ngoại tình, có lẽ cô nầy đã bị giam giữ, và được sắp đặt để đưa đến trước Chúa Và dân chúng, mục đích làm xấu hổ người phụ nữ và cả Chúa Giêsu.
Họ không nhất thiết phải làm vậy, vì Chúa Giê su không phải là quan toà của dân Do Thái, nhưng Giăng nói, họ muốn thử Chúa Giê su, nên đem ra một phiên toà công khai để Chúa Giê su quyết định.
Người đàn ông liên can trong vụ nầy không thấy bị đưa ra, cũng là một điều lạ. Tội ngoại tình thời đó là một tội trọng. Trong luật pháp Môi se, tất cả các hình thức tà dâm đều bị xử tử: Lêvi ký 20: 10-16
" Nếu người nào phạm tội tà dâm cùng vợ của người khác, hay là phạm tội tà dâm cùng vợ người lân cận mình, người nam cùng người nữ đó đều phải bị xử tử. Nếu người nào nằm cùng vợ cha mình, ấy là gây nhục cho cha mình, thì hai người đều hẳn phải bị xử tử; huyết họ sẽ đổ lại trên mình họ. Nếu người nào nằm cùng dâu mình, hai người đều hẳn phải bị phạt xử tử; vì họ phạm một sự gớm ghiếc; huyết họ sẽ đổ lại trên mình họ. Nếu một người nam nằm cùng một người nam khác, như nằm cùng người nữ, thì hai người đó đều hẳn phải bị xử tử, vì họ đã làm một sự gớm ghiếc; huyết họ sẽ đổ lại trên mình họ. Nếu một người nam lấy cả mẹ và con làm vợ; ấy là một sự tà ác; hãy thiêu cả ba đi, hầu cho sự tà ác đó không còn trong vòng các ngươi. Nếu một người nam cấu hiệp cùng thú vật, thì hẳn phải bị xử tử, và các ngươi hãy giết thú đó đi. Nếu một người nữ lại gần một con thú đặng cấu hiệp cùng nó, ngươi hãy giết người nữ và con thú đó đi; huyết nó sẽ đổ lại trên mình nó."
Luật pháp Môi-se đã ra lệnh cho dân sự ném đá những kẻ phạm tội kể trên, theo đó, ngoại tình là một tội tử hình theo luật Do Thái. Tuy nhiên, các quy định về bằng chứng trong các vụ án tử hình nầy cũng cực kỳ nghiêm ngặt, Hành động của hai người ngoại tình phải được quan sát bởi nhiều nhân chứng, và và mỗi lời khai phải hiệp nhất với nhau.
Trên thực tế, theo các sử gia, hiếm thấy ai bị xử tử vì tội ngoại tình, vì đây là một tội mà khó có nhiều người được chứng kiến rõ ràng. Tình hình như vậy, chắc là bậc cầm quyền đã sắp đặt trước mọi việc.
Họ gài bẫy Chúa Giêsu.
Nếu Chúa Giêsu nói: “Hãy để cô ấy đi”, thì chắc Ngài đã vi phạm Luật Môi-se. Nếu Ngài nói: “Hãy xử tử cô ấy vì tội ngoại tình,” thì Chúa Giêsu đã phơi ra sự khắc nghiệt và tàn nhẫn của mình.
Ngoài ra, nếu tuyên án xử tử, Ngài sẽ vi phạm luật La Mã, vì người La Mã đã tước quyền xử tử chính thức đối với những người Do Thái phạm tội tôn giáo. Cái bẫy nầy cũng tương tự như lúc họ hỏi Chúa Giê su có nên nộp thuế cho Sê-sa hay không? (Ma-thi-ơ 22:15-22)
** " Chúa Giê su xử theo cách của Ngài"
Khi người ta kết án một phụ nữ là công khai ngoại tình, mà không có mặt người đàn ông liên đới, đủ thấy sự bất công và tuỳ tiện trong việc thi hành luật pháp- Họ dùng người phụ nữ để làm công cụ trong kế hoạch độc dữ.
Chúa Giê su muốn cho họ biết, người phụ nữ nầy không phải trung tâm của tội ác, mà chính là bậc cầm quyền. Vì là một toà án công khai, mọi người có cảm giác rằng họ đang thánh thiện, họ đang nôn nóng, muốn tra tay thánh thiện để trừng trị tội nhân, cô ta đáng chết, cô ta đáng bị chửi rủa, cô ta đáng bị lên án, nhưng trước mắt Chúa, tất cả mọi người ở đây đều không đủ thánh thiện, đều đang có bảng án tử hình. Nhiều tội nhân đang xử một tội nhân.
Rô ma 6:23 chép "Vì tiền công của tội lỗi là sự chết;" và không có ai thánh thiện, dẫu một người cũng không.
Chúa Giê su cúi xuống, không cần nhìn mục tiêu mà họ muốn Chúa nhìn, Chúa cũng không viết chữ gì, chỉ là vẽ nguyệch ngoạc. Khi Chúa Giêsu cúi xuống và viết, Ngài hành động như thể Ngài không hề nghe thấy lời buộc tội người phụ nữ đó.Chúa phớt lờ họ, vì Ngài khinh thường việc làm gian ác của họ.
Chúa Giê su đã được họ phó cho quyền xử một phiên toà công khai, nhưng quan toà lại tỏ ra quá nhu mì so với đám đông, Ngài cúi đầu và yên lặng, đó là tính cách của Chúa Giê su, y như Phao lô diễn tả trong II Cô rinh tô 10:1
"Tôi là Phao-lô, bởi sự nhu mì, nhơn từ của Đấng Christ mà xin anh em, tôi là người hèn hạ lắm trong khi gặp mặt giữa anh em nhưng lúc vắng mặt, đối với anh em, tỏ ra biết bao là dạn dĩ "
Sự hiền lành, dịu dàng của Đấng Christ được diễn tả trong khung cảnh giữa bầy đàn hung dữ ở đây.
Khi họ đọc cáo trạng của tội nhân, Chúa Giê su cúi xuống, nhưng khi cả đám đông hối thúc Ngài kêu án, thì Chúa ngước lên để nói lời thách thức:
"Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người."
Kinh Thánh chép, không có một bàn tay trong sạch nào để đủ tư cách ném đá người phụ nữ, bắt đầu từ người lớn tuổi.
Chúa Giê su không trực tiếp nói " Đừng hành quyết cô ta”. Nhưng Ngài vạch trần một tội rất thông thường của người ta, là muốn trừng phạt tội lỗi của người khác, trong khi mình có tội. Vua Đa-vít là một ví dụ điển hình về điều này khi vua gặp Tiên tri Na than.(2 Sa-mu-ên 12:1-10).
**" Lương tâm lên án"
Điều tốt lành về đám đông nầy là lương tâm của họ chưa chết. Họ vẫn còn bị lương tâm kết tội.
Bây giờ họ nhận thức rõ hơn về tội lỗi của chính mình hơn là tội lỗi của người phụ nữ.
Lương tâm không dấu diếm, lương tâm nói ra hết sự thật, lương tâm được Đức Chúa Trời ban cho, và lương tâm đưọc nuôi dưỡng bằng lời của Đức Chúa Trời.
Lương tâm là khả năng đánh giá suy nghĩ, ước muốn cũng như hành vi của mình - Cân nhắc được điều đúng sai.
Không có thuật ngữ tiếng Do Thái nào trong Cựu Ước tương đương về mặt ngôn ngữ với thuật ngữ cổ điển Hy Lạp suneidesis (Lương tâm).
Tuy nhiên, thuật ngữ tiếng Do Thái từ "trái tim" hay "lòng" là một thuật ngữ nói lên về sự tự nhận thức trong Cựu Ước. Thí dụ trong Gióp 27: 6
"Tôi giữ chặt sự công bình mình, không rời bỏ nó; Trọn đời tôi, lòng tôi sẽ chẳng cáo trách tôi."
Nhưng trong Tân ước thì Phao lô đã dùng chữ "lương tâm" để diễn tả một tâm trạng tương tự như Gióp- Công vụ 24:16
"Cũng vì cớ ấy, nên tôi vẫn gắng sức cho có lương tâm không trách móc trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt loài người."
*** " Ta cũng không định tội người; hãy đi, đừng phạm tội nữa."
Khi đọc xong và ngẩm nghĩ hành động của Chúa Giê su trong đoạn nầy, có thể chúng ta có vài câu hỏi:
Có phải Chúa Giê su thấy người phụ nữ đó không đáng chết ?
Hay Chúa thấy cô ấy không có tội?
Hoặc Chúa muốn phản bác kế hoạch xấu xa của người Pha ri si?
Câu nói: " Hãy đi, đừng phạm tội nữa " cho thấy cô nầy có tội -
Chúa Giê su cũng là Đức Chúa Trời, luật Chúa ban cho Môi se, ngoại tình là tội chết, Chúa Giê su không giảm tội cho người ấy, việc vạch trần cách xử án không công minh của bậc cầm quyền cũng không phải là mục tiêu của Chúa, mặc dù Chúa luôn tránh được những cạm bẫy của họ cách dễ dàng.
Khi Chúa Giê su nói " Ta cũng không định tội ngươi " Lời Ngài ở đây làm cảm động rất nhiều tội nhân.
-Trong tất cả đám đông, chỉ có Ngài là không có tội. Ngài biết mọi sự, Ngài có quyền ném viên đá đầu tiên – nhưng Ngài không làm vậy. Người phụ nữ đã tìm được nơi ẩn náu nhờ nơi Chúa Giê su. Chúa không nói cô ấy vô tội, nhưng Ngài nói cô ta được tha thứ, chúng ta cũng thấy được hình ảnh mà Chúa Giê su sắp làm, là gánh hết mọi tội lỗi của thế gian.
Ở trong Chúa Giê su, dù là tội chết cũng sẽ được tha thứ. Theo một nghĩa nào đó, ở đây Chúa Giê-su đã mô phỏng lẽ thật vĩ đại của Rô-ma 8:1:
"Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ;
Chúa Giê su đã mở cho người phụ nữ ấy một con đường sống, cả thuộc thể lẫn tâm linh. Ngài muốn cô ấy tin rằng: Nếu cô muốn làm lại một đời sống mới, cô có thể làm được.
Ngày nay, chúng ta hiểu rằng, khi đi theo Đấng Christ, Đức Thánh Linh sẽ làm cho chúng ta được trọn trong luật pháp.
Kinh Thánh không nêu tên của người phụ nữ, khi một người đã được tha thứ và phục hồi, cái tên gắn liền với quá khứ tội lỗi cũng không nên nhắc đến. Nếu cho rằng đó là Ma-ry Ma-đơ-len, là phỏng đoán và không giống ý của Kinh Thánh.
"vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Đức Chúa Jêsus Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết. " Rô ma 8:2
Chúa Giê su vì tội nhân chết thế để họ nhận được sự tha thứ từ Đức Chúa Cha.