Giăng 17: " Xin Cha lấy Lẽ Thật khiến họ nên thánh"
" Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó." Giăng 3: 36
Giăng 17: " Xin Cha lấy Lẽ Thật khiến họ nên thánh"
Câu hỏi:
1/ Người Tín hữu được nên thánh nhờ điều gì?
Sự nên Thánh có được nhận ra ở một thời điểm xác định không?
2/ Tín đồ tự làm mình nên thánh hay Chúa làm họ nên thánh hay từ cả đôi bên?
3/ Người không tin Chúa có được nên Thánh không?
Nhưng nếu không nên Thánh thì tiêu chuẩn đoán xét của Chúa có áp dụng cho họ không?
Xin đọc Giăng 3: 36 ở đầu trang để trả lời câu nầy
4/ Tại sao Chúa Giê su ràng cột hai việc Sai đi và nên Thánh lại với nhau?
5/ Chúa Giê su chỉ cầu nguyện cho môn đồ, hay cho cả những người sau nầy tiếp nối công việc dang dỡ của Chúa Giê su?
Xin trưng dẫn một câu Kinh thánh Chúa muốn chúng ta cũng đi ra làm sứ giả cho Ngài.
6/ Nhờ đâu mà mọi dân, mọi nước khi tin nhận Chúa được hiệp thành một ?
Khi thấy sự hiệp một đó, thế giới tin gì?
"Xin Cha lấy Lẽ Thật khiến họ nên thánh"
" Lời cầu xin thứ hai, Chúa Giê su xin Cha Thánh hoá các môn đồ" Câu 17 & 19
"Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật. 18 Như Cha đã sai Con trong thế gian, thì Con cũng sai họ trong thế gian. 19 Con vì họ tự làm nên thánh, hầu cho họ cũng nhờ lẽ thật mà được nên thánh vậy."
Phần trước, trong câu 13-16, chúng ta được học về yêu cầu thứ nhất của Chúa Giê su, là xin Cha gìn giữ môn đồ khỏi những điều ác và kẻ ác, ban cho họ niềm vui như Chúa Giê su đã có. Hôm nay Chúa Giê su dâng lên Cha yêu cầu thứ hai là Thánh hoá các môn đồ.
Từ Hagios dùng ở đây, được dịch là 'thánh hóa" Hagios có nghĩa là biệt riêng để hiến dâng cho Thiên Chúa: Từ nầy được dùng cho cả các đồ vật, con vật làm của lễ, hay kể cả con người được biệt riêng để phục vụ Ngài.
Chúa Giêsu không những dạy dỗ về Lẽ thật để các môn đệ tự thánh hóa mình, nhưng Ngài còn cầu nguyện để Cha giúp họ nên thánh.
Quá trình thánh hoá sẽ không nằm ở một thời gian xác định.
Thánh hoá không có kết quả ngay tức thì, nhưng là một quá trình luôn tiến triển, người ta gọi đó là quá trình Lưư giữ ( A Keeping process} quá trình nầy không chỉ căn cứ trên một phía của Tín đồ; nhưng đó cũng là công việc của Thiên Chúa tác động trong lòng họ qua Đức Thánh Linh.
"Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật."
Động lực chính yếu đằng sau sự nên Thánh là hiểu biết Lẽ Thật -
Lời dạy, điều răn, xét đoán, lời phê bình hay sự bày tỏ của Đức Chúa Trời được chép trong Kinh thánh đều là Lẽ Thật.
Lời Chúa trong Kinh Thánh phải được đọc - nghe - hiểu và áp dụng - Việc thánh hóa nầy cũng không được thực hiện ngoài sự mặc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh.
Nếu Tín hữu tự Thánh hoá mình bằng phương cách của Thế gian như tự " Tu thân, tích đức, diệt dục.." thì cách đó sai trước mắt Đức Chúa Trời.
**Người Tín hữu cần có đức tin vào Lời Chúa, học hỏi, suy ngẩm, ghi nhớ, để được thánh hoá trong tư tưởng, trong cách suy nghĩ, rồi khi áp dụng, làm theo thì được Thánh hoá trong hành động.
Đức Thánh Linh sẽ giúp đỡ họ bằng cách nhắc nhở, giảng giải, Ngài sẽ dùng Lẽ thật để tác động trong tâm trí Tín đồ, làm cho họ tách biệt khỏi thế gian, mà phục vụ Chúa.
Lẽ Thật thuộc về Thiên Chúa và Lẽ Thật được ban tặng cho người Tin Chúa. Kẻ không tin Chúa sẽ không biết về Lẽ thật.
Chúng ta hãy ngẫm nghĩ về một mẫu đối thoại sau đây, được chép trong sách Giăng 18:37 giữa Chúa Giê su và Bôn xơ Phi Lát:
"Phi-lát bèn nói rằng: Thế thì ngươi là vua sao? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật như lời, ta là vua. Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật. Hễ ai thuộc về lẽ thật thì nghe lấy tiếng ta. 38 Phi-lát hỏi rằng: Lẽ thật là cái gì?
Câu hỏi nầy được khắc bằng chữ La tinh " I Que est la Veritat?" trên cánh cửa của một ngôi nhà thờ ở Tây ban Nha. Người tin Chúa biết Lẽ thật là gì, vì Lẽ thật còn là tiêu chuẩn mà Chúa dùng để đoán xét mọi người.
I Giăng 2: 4-6 nói rằng:
" Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người. 5 Nhưng ai giữ lời phán Ngài, thì lòng kính mến Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết mình ở trong Ngài. 6 Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm."
Hiểu biết Lẽ thật và làm theo mới được công nhận là yêu Chúa.
** "Như Cha đã sai Con trong thế gian, thì Con cũng sai họ trong thế gian."
Câu nói "sai đi" được liên kết chặc chẻ với hai từ "thánh hoá." Người được sai đi, là làm sứ giả để rao truyền Lẽ Thật, chính người đó phải được biệt riêng để nói về Lẽ Thật, và người sứ giả cũng phải thể hiện được Lẽ Thật trên mọi mặt của đời sống mình.
Giăng Báp tít là một điển hình, ông được biệt riêng ra như một người Na xi rê cho Chúa, phẩm hạnh của ông được mọi người đề cao, họ vui lòng đến để nghe sứ điệp ăn năn từ ông, để làm báp têm bằng nước, trước khi Chúa Giê su đến với họ.
Các môn đồ sẽ được Chúa gởi đến thế gian, để làm sứ giả cho nước Trời. Họ tiếp tục làm công việc của Chúa Giê su đang dang dỡ, đem Lẽ Thật và sự cứu rỗi của Cha cho toàn thế giới.
Hai chữ ‘truyền giáo’ xuất phát từ động từ Latinh " mitto, mittere, misi, missum" có nghĩa là ‘gửi’ hoặc ‘gửi đi.’ Truyền giáo là một sự sai đi.”
Người được sai đi với tư cách là đặc vụ và là sứ giả của Chủ nhân họ. Họ sẽ không nói tự mình, nhưng nói lời của chủ nhân.
Chúa Giê su là Nhà Truyền giáo vĩ đại, Đấng Messia, Đấng được sai đi; chúng ta là những nhà truyền giáo nhỏ bé, cũng được sai đi vào thế gian để hoàn thành ý muốn và mục đích của Chúa Cha.
Trước khi đi ra, người sứ giả phải có sứ điệp của chủ mình, được chủ gởi đi với thẩm quyền thay mặt chủ nhân nơi mình đến.
Thánh hoá và Sai đi là hai động từ được Chúa áp dụng cho các sứ giả của Ngài. Chúng ta thử đọc một đoạn trong Ê sai 6: 1-9a
"Về năm vua Ô-xia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang, vạt áo của Ngài đầy dẫy đền thờ. 2 Những sê-ra-phin đứng bên trên Ngài; mỗi sê-ra-phin có sáu cánh, hai cái che mặt, hai cái che chân và hai cái dùng để bay. 3 Các sê-ra-phin cùng nhau kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài! 4 Nhân tiếng kêu đó, các nền ngạch cửa rúng động, và đền đầy những khói. 5 Bấy giờ tôi nói: Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân! 6 Bấy giờ một sê-ra-phin bay đến tôi, tay cầm than lửa đỏ mà đã dùng kiềm gắp nơi bàn thờ, 7 để trên miệng ta, mà nói rằng: Nầy, cái nầy đã chạm đến môi ngươi; lỗi ngươi được bỏ rồi, tội ngươi được tha rồi. 8 Đoạn, tôi nghe tiếng Chúa phán rằng: Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa rằng: Có tôi đây; xin hãy sai tôi. 9 Ngài phán: Đi đi! "
Ê sai được sai đi với hình ảnh được Chúa thanh tẩy môi miệng mình. Điều nầy giúp chúng ta hiểu thêm tại sao Chúa Giê su xin Cha thánh hoá môn đồ trước khi họ được gởi đến thế gian.
" Con vì họ tự làm nên thánh, hầu cho họ cũng nhờ lẽ thật mà được nên thánh vậy."
Khi chúng ta đọc câu " Con vì họ tự làm nên thánh" không nên nghĩ rằng Chúa Giêsu đã không được thánh hóa cho đến thời điểm này.
Tuy nhiên, bây giờ, Ngài sắp thực hiện cho xong mục đích của Đức Chúa Cha là bước lên thập tự giá. Chính nhờ công việc đó mà lời Chúa và công việc Chúa mới trở nên hữu hiệu trọn vẹn trong đời sống các môn đồ.
Đức Thánh Linh mới được ban xuống để giúp họ thánh hoá trong lẽ thật. Câu nầy có thể diễn giải là ‘ Con tự dâng hiến chính mình để hy sinh vì họ ’
**Chúa Giê su cầu xin luôn cho những kẻ Tin sau nầy" câu 20 -23
"Ấy chẳng những vì họ mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa, 21 để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta, đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến. 22 Con đã ban cho họ sự vinh-hiển mà Cha đã ban cho Con, để hiệp làm một cũng như chúng ta vẫn là một: 23 Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để cho họ toàn vẹn hiệp làm một, và cho thế gian biết chính Cha đã sai Con đến, và Cha đã yêu thương Con."
Chúa Giê su đã cầu thay cho môn đồ. Ngài cũng cầu nguyện cho những người tin nhận Ngài, qua họ, những tín hữu tiếp nối và tiếp nối...
Ngài biết sự cầu thay của Ngài dành cho các môn đồ sẽ được nhậm. Ngài biết sự cầu thay của Ngài dành cho chúng ta cũng sẽ được nhậm.
Vậy thì chúng ta hãy yên nghỉ trong Ngài, vâng phục và yêu thương, tin tưởng với lòng tin chắc chắn. Chúa Giêsu rời bỏ công việc trần thế của Ngài với lòng tin tưởng vào các môn đồ và cũng tin tưởng vào chúng ta nữa. Bởi vậy, Ngài đã ban ra mạng lệnh trong Ma thi ơ 28:19 & 20
"Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, 20 và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế."
Môn đồ không sống đến tận thế, những người con trong Chúa tiếp nối dời nầy qua đời kia mới đến tận thế.
" Để cho ai nấy hiệp làm một " câu 21
Đó chính là hình ảnh Hội Thánh. Chúa Giêsu đã hình dung ra đoàn người đông đảo trước ngai Thiên Chúa thuộc mọi quốc gia, mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ, những người được cất lên trong Khải huyền 7:9-10
"Sự ấy đoạn, tôi nhìn xem, thấy vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà là, 10 cất tiếng lớn kêu rằng: Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con."
Chúng ta thuộc về Chiên Con, có chung một niềm tin. Phần trước, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để các môn đồ có sự hiệp nhất, theo khuôn mẫu của sự hiệp một trong Chúa, như mối quan hệ giữa Chúa Cha và Con.
Ở đây Chúa Giê su cũng cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả Tín hữu cũng được y như vậy, vì sự hiệp nhất trong Chúa là hoàn hảo.
Sự hiệp nhất mà Chúa Giê su muốn nhắc đến là sự hiệp nhất được Phao lô chép trong sách Ê phê sô: 4: 4-6
"Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi; 5 chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp tem; 6 chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người."
** đặng thế gian tin rằng chính Cha đã sai Con đến."
Đây là câu tiếp theo của lời cầu nguyện cho mọi Tín hữu được hiệp một. Chúa Giê su tuyên bố một câu đáng chú ý.
Về cơ bản, Chúa Giêsu cho phép thế giới đánh giá chức vụ của Ngài dựa trên sự đoàn kết của dân Chúa. Sự hiệp nhất và đoàn kết giữa dân Chúa, giúp thế giới tin rằng Chúa Cha đã sai Con đến thực hiện sự cứu rỗi cho họ. Hội Thánh giống như cái đèn được thắp sáng trong thế giới tối tăm, chia rẽ và thù nghịch lẫn nhau.
** Chúa Giê su ban vinh hiển cho những kẻ tin: câu 22
Đức Chúa Cha đã chia sẻ vinh quang của Ngài với Đức Chúa Con, thì Chúa Giê-xu cũng ban vinh quang cho dân Ngài như vậy.
Có nhiều cách Chúa Giêsu ban vinh quang cho dân Ngài qua:
· Sự hiện diện vinh hiển của Ngài./ Vinh hiển của Lời Ngài./ Vinh hiển của Thánh Linh Ngài./ Vinh quang nơi quyền năng Ngài.
· Vinh quang dưới sự lãnh đạo của Ngài và Vinh quang vì sự bảo tồn của Chúa đối với Hội Thánh.
Vinh hiển của Đức Chúa Trời và Chúa Giê su luôn chiếu sáng trong lòng người Tin Chúa . Phao lô đã dùng một cách rất mộc mạc, khiêm nhường nói đến vinh quang nầy trong 2 Cô-rinh-tô 4: 6 & 7
"Vì Đức Chúa Trời, là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm! đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Jêsus Christ. 7 Nhưng chúng tôi đựng của quí nầy trong chậu bằng đất, hầu cho tỏ quyền phép lớn dường ấy là bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi."
Phao lô nói chúng ta tầm thường như cái chậu bằng đất, mà chứa đựng một sự vinh quang cả thể của Chúa.
Chúng ta hãy cầu xin Đức Thánh linh dùng Lẽ thật thánh hoá đời sống chúng ta, để chúng ta được Chúa sai đi, được gửi tới thế gian làm sứ giả cho Chúa