Mathi ơ 27: phần IV " Bức màn bị xé ra làm hai "
"Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu; dầu người chẳng hề làm điều hung dữ và chẳng có sự dối trá trong miệng." Ê sai 53:9
Mathi ơ 27: phần IV " Bức màn bị xé ra làm hai "
Câu hỏi:
1/ Trong đền thờ giữa nơi thánh và nơi chí thánh được ngăn ra bởi vật gì?
2/ Bức màn có ý nghĩa gì?
3/ Tại sao lúc Chúa Giê su lìa đời bức màn lại bị xé ra? Ai xé nó?
4/ Ý nghĩa khi màn được xé ra?
5/ Những ai còn ở lại cuối cùng với Chúa ? Tình yêu của các bà dành cho Chúa được Chúa thưởng gì ba ngày sau?
6/ Giô sép ở thành A-ri-ma-thê là ai?
7/ Chúa Giê su được chôn cất cách nào? Như người nghèo hay người giàu?
8/ Vì sao Các Thầy tế lễ căn dặn Phi Lát phải cho lính canh giữ mộ?
" Bức màn bị xé ra làm hai "
*** " Bức màn bị xé ra làm hai " câu 50-54
" Đức Chúa Jêsus lại kêu lên một tiếng lớn nữa, rồi trút linh hồn. Và nầy, cái màn trong đền thờ, bị xé ra làm hai từ trên chí dưới, đất thì rúng động, đá lớn bể ra, mồ mả mở ra, và nhiều thây của các thánh qua đời được sống lại. Sau khi Đức Chúa Jêsus đã sống lại, các thánh đó ra khỏi mồ mả, đi vào thành thánh, và hiện ra cho nhiều người thấy. Thầy đội và những lính cùng với người canh giữ Đức Chúa Jêsus, thấy đất rúng động và những điều xảy đến, thì sợ hãi lắm, mà nói rằng: Thật người nầy là Con Đức Chúa Trời."
Khi Chúa Giê su vừa tắt hơi, thì có một trận động đất rất dữ, đến nỗi đá lớn bể ra -
Kinh thánh tả thiên nhiên cũng rúng động vì bi thương. Đá lên tiếng, khi trái tim con người đã không còn cảm xúc. Thật như lúc Chúa Giê su cưỡi lừa vào thành Giê ru sa lem, được người ta tung hô Hô sa na, các thầy Pha ri si bắt lỗi thì Chúa Giê su nói:
"Bấy giờ, có mấy người Pha-ri-si ở trong đám dân đông nói cùng Ngài rằng: Thưa thầy, xin quở trách môn đồ thầy! Ngài đáp rằng: Ta phán cùng các ngươi, nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên." Luca 19:39-40
Trời đất tỏ sự phẩn nộ trong cái chết của Chúa Giê su vì Ngài cũng là Chúa của tạo vật-
* Mồ mả mở ra:
Đoạn kinh văn nầy được biết là một đoạn rất khó hiểu, mà không có nguồn nào khác để đối chứng để người đọc có thể hiểu thêm, người ta chỉ có thể nói rằng, căn cứ theo văn mạch, thì việc kỳ diệu nầy được xảy ra cùng lúc với khi Chúa Giê su phục sinh - Sức mạnh phục sinh đã lan toả ra rộng lớn, có thể làm cho kẻ chết sống lại trong một thời gian, nhưng rồi cũng chết lại lần hai như La xa rơ, không phải lại sự sống khi Chúa Tái lâm.
Liền sau đó Kinh Thánh lại đột ngột nói đến bức màn trong đền thờ bị xé đôi, bức màn có liên quan gì với việc nầy?
*** Bức màn chính là tâm điểm của toàn câu chuyện:
Trong đền thờ ngày xưa, giữa nơi thánh và nơi chí thánh, có một bức màn, chỉ có thầy Tế Lế Thượng Phẩm được vào đó mỗi năm một lần để cầu thay cho dân sự. Bức màn tượng trưng cho sự phân cách giữa con người tội lỗi và Đức Chúa Trời, ai vượt qua đó mà không phải là Thầy Tế lễ, được đặt cách từ Đức Chúa Trời thì phải chết. -Lê vi 16 : 1&2
"Sau khi hai con trai của A-rôn chết trong lúc đến gần trước mặt Đức Giê-hô-va, thì Ngài phán cùng Môi-se, mà rằng: Hãy nói cùng A-rôn, anh ngươi, chớ vào luôn luôn trong nơi thánh ở phía trong bức màn, trước nắp thi ân trên hòm bảng chứng, e người phải chết chăng; vì ta ở trong mây hiện ra trên nắp thi ân."
* Bức màn tượng trưng cho sự phân cách trong mối tương giao giữa con người tội lỗi và Đức Chúa Trời.
Theo các chi tiết trong đền thờ Giê ru sa lem thời Chúa Giê su, thì bề cao bức màn là 30 feet (hơn 9 mét) và được đan rất dày, bằng các loại chỉ mịn màu tím và màu đỏ sậm. Vừa khi Chúa Giê su trả xong tội cho loài người trên thập giá, thì bức màn bị xé toạt làm đôi, để mọi tội nhân, dù lớn, dù nhỏ đều có thể lọt vào nơi chí thánh, là nơi có ngôi thương xót và tha thứ của Đức Chúa Trời ( mercy seat) Lê vi 16:2 -Từ đó những người tin nhận Chúa Giê su mới được quyền cầu nguyện thẳng đến Đức Chúa Trời qua danh Chúa Giê su Christ mà không phải cần thầy tế lễ và cũng không cần dâng con sinh tế.
Ý nghĩa của bức màn xé đôi được giải thích rõ ràng trong Hê bơ rơ: 10: 14-22
" Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời. Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta như vậy; vì đã phán rằng: Chúa phán: Nầy là giao ước ta lập với chúng nó Sau những ngày đó, Ta sẽ để luật pháp ta vào lòng chúng nó Và ghi tạc nơi trí khôn, lại phán: Ta sẽ chẳng còn nhớ đến tội lỗi gian ác của chúng nó nữa. Bởi hễ có sự tha thứ thì không cần dâng của lễ vì tội lỗi nữa. Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jêsus được dạn dĩ vào nơi rất thánh, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài, lại vì chúng ta có một thầy tế lễ lớn đã lập lên cai trị nhà Đức Chúa Trời, nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa. "
Thật cảm ơn Đức Chúa Trời cùng Chúa Giê su ! Rất nhiều tội nhân đã cảm động vì tấm màn bị xé ra rất rộng, có người đã nói, nếu nó chỉ được xé ra một chút, tôi sẽ không được lọt qua đó, vì tội tôi rất lớn!
" Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu;" câu 55-61
"Vả, có nhiều người đàn bà đứng coi ở đàng xa, là người đã đi theo Đức Chúa Jêsus từ xứ Ga-li-lê để hầu việc Ngài. Trong những đàn bà đó có Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri, mẹ của Gia-cơ và Giô-sép, và mẹ hai con trai của Xê-bê-đê. Đến chiều tối, có một người giàu, ở thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-sép, chính là một môn đồ của Đức Chúa Jêsus, đến nơi Phi-lát mà xin xác Đức Chúa Jêsus. Phi-lát bèn truyền cho. Giô-sép lấy xác Ngài mà bọc trong tấm vải liệm trắng, 60 và đưa để trong một cái huyệt mới mà người đã khiến đục cho mình trong hòn đá; đoạn, lăn một hòn đá lớn đến trước cửa mồ, rồi đi. Có Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác ở đó, ngồi đối ngang huyệt."
* Những người đàn bà bên thập tự giá "
Trong các sách phúc âm, số các bà có mặt ở đây được ghi lại khác nhau, nhưng các bà là những người đã chứng kiến hết mọi sự, ở lại sau cùng, và cũng đến sớm nhất để viếng mộ Chúa.
Sách Ma thi ơ chép, các bà đó đã theo để hầu việc Chúa - Kinh Thánh không ghi lại những việc gì to tát nơi các bà, vì các bà có một lối phục vụ rất thầm lặng và khiêm tốn, các bà cũng đã dành cho Chúa Giê su một tình yêu rất lớn, họ không sợ hải trước lính La mã, và họ cũng là người gặp Thiên sứ đầu tiên, sau khi Chúa phục sinh.
Sau một ngày đau đớn nhìn Chúa bị hành hình, có lẽ hết thảy các bà đã hết sức mỏi mệt, nhưng trong khi Giô sép đi xin phép Phi lát để chôn Chúa, thì các bà vẫn ngồi đó và canh giữ xác cho đến chừng hòn đá được đóng lại.
Sau nầy, khi Hội Thánh được thành lập, các bà cũng đã đóng góp nhiều công sức trên nhiều lãnh vực. Đức Thánh Linh đã mở rộng công trường thuộc linh cho các bà, thậm chí, Phao lô đã khen ngợi Bê rít sin (Priscilla) trong sách Rô ma 16: 3-5
" Hãy chào Bê-rít-sin và A-qui-la, kẻ cùng làm việc với tôi trong Đức Chúa Jêsus Christ, là hai người liều chết để cứu sự sống tôi; ấy chẳng những một mình tôi tạ ơn hai người, nhưng cả các Hội thánh của dân ngoại nữa. Cũng hãy chào Hội thánh nhóm tại nhà hai người."
chẳng những vậy, Bê rít sin còn dạy đạo cho cả A bô lô, người Giu đa giảng đạo được tôn trọng ngang hàng với Phao lô thời đó.
( xem công vụ 18: 24-27)
"một người giàu, ở thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-sép"
Ông Giô sép ở thành A-ri-ma-thê cũng là một nghị viên của toà công luận - Giăng 19 nói, ông là môn đồ kín giấu -
"Sau đó, Giô-sép người A-ri-ma-thê, làm môn đồ Đức Chúa Jêsus một cách kín giấu, vì sợ dân Giu-đa, xin phép Phi-lát cho lấy xác Đức Chúa Jêsus; thì Phi-lát cho phép. Vậy, người đến và lấy xác Ngài. Ni-cô-đem, là người khi trước đã tới cùng Đức Chúa Jêsus trong ban đêm, bấy giờ cũng đến, đem theo độ một trăm cân một dược hòa với lư hội. Vậy, hai người lấy xác Đức Chúa Jêsus, dùng vải gai và thuốc thơm gói lại, theo như tục khâm liệm của dân Giu-đa. Vả, tại nơi Ngài bị đóng đinh, có một cái vườn, trong vườn đó có một cái huyệt mới, chưa chôn ai. Ấy là nơi hai người chôn Đức Chúa Jêsus, vì bấy giờ là ngày sắm sửa của dân Giu-đa, và mộ ấy ở gần."
Trái tim Giô sép chắc đã phải vô cùng xúc động về cái chết của Chúa Giê su, khi ông chọn thời điểm bất lợi nhất để công khai với mọi người là ông theo Chúa - Có một người bạn nữa, đồng hành với ông, cũng là nghị viên toà công luận, tên Ni cô đem.
Khi hai người quyết định đến với Phi lát để xin xác Chúa về chôn, thì họ đã công khai đứng về phía chống lại các Thầy Tế lễ và đám đông, họ biết họ sẽ mất tất cả những gì họ đang có.
Chắc chúng ta tự hỏi tại sao hai người đàn ông nầy lại chọn thời điểm lúc nầy để công bố đức tin của mình?
Hai người nầy không tìm cái mà người khác đang tìm - Trong ban đêm, Ni cô đem đén hỏi Chúa :"Làm sao được cứu?" Hai ông là thầy giáo về kinh văn, hai ông đọc lời Kinh Thánh với sự chỉ dẫn của Đức Thánh Linh, và hai ông được Chúa mở mắt cho thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê su.
Giô-sép người A-ri-ma-thê, là một người rất giàu, ngôi mộ của ông được làm sẳn để dành riêng cho ông, ông đã dùng nó để chôn Thầy mình, với đầy đủ những loại thuốc thơm mà một người giàu mới có thể có, lại thêm một người nữa được dùng để tôn vinh Con Đức Chúa Trời, việc làm của Giô-sép người A-ri-ma-thê được ghi lại cách gián tiếp trong sách Ê sai 53: 9
"Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu; dầu người chẳng hề làm điều hung dữ và chẳng có sự dối trá trong miệng. "
"Khỏi ba ngày thì ta sẽ sống lại."
Các Thầy Tế Lễ sợ câu nói nầy sẽ thành sự thật - Miệng thì nói là kẻ gian dối, nhưng lòng lại lo sợ - Nếu Chúa Giê su sống lại, huyết trong lời thề sẽ đổ lại trên đầu họ và con cháu họ, vì họ đã giết Đấng Mê si -
Các Thầy tế lễ hết sức căn dặn, nhờ Phi lát ra lệnh cho lính canh giữ chắc chẽ quanh ngôi mộ, để bảo đảm không có sự cố nào xảy ra ngoài ý muốn của họ.
Mọi người sẽ không nghi ngờ gì về lệnh truyền cho lính La mã, nếu làm sai, người lính sẽ thế mạng mình- Nhờ vậy mà đế chế La mã duy trì được quyền lực của nó - Chi tiết nầy giúp dẹp bỏ được những giả thuyết nghi ngờ, cho rằng có ai đó cướp xác Chúa đi.
Cũng trong khi canh giữ mộ, các người lính và thầy đội cũng bị rúng động trước những sự lạ lùng, khiến họ cũng tin Chúa Giê su là Con Đức Chúa Trời - Dù tảng đá lớn chừng nào, dù nhiều người canh giữ tới đâu, thì cũng không ngăn được sức mạnh Phục sinh từ Đức Chúa Trời toàn năng vĩ đại.
Qua đoạn Kinh Thánh nầy, chúng ta được thấy: Người phụ vác thập giá được cứu cả nhà,
Người chờ đợi bên chân Chúa được kêu gọi phục vụ trong nhà Chúa
và người tuyên xưng đức tin mình trước mọi người được tìm thấy chân lý cứu rỗi, thành môn đồ công khai của Ngài.
Ai có phần trong sự đau thương của Chúa Giê su đều được chọn.
" Bấy giờ có một người Giu-đa tên là A-bô-lô, quê tại thành A-léc-xan-tri, là tay khéo nói và hiểu Kinh Thánh, đến thành Ê-phê-sô. Người đã học đạo Chúa; nên lấy lòng rất sốt sắng mà giảng và dạy kĩ càng những điều về Đức Chúa Jêsus, dẫu người chỉ biết phép báp-tem của Giăng mà thôi. Vậy, người khởi sự giảng cách dạn-dĩ trong nhà hội. Bê-rít-sin và A-qui-la nghe giảng, bèn đem người về với mình, giải bày đạo Đức Chúa Trời cho càng kĩ lưỡng hơn nữa. Người toan sang xứ A-chai, thì anh em giục lòng cho và viết thơ gởi dặn môn đồ phải tiếp đãi người tử tế. Khi tới rồi, người được nhờ ơn Đức Chúa Trời mà bổ ích cho kẻ đã tin theo. " Công vụ 18: 24-27