SƠ LƯỢC CÁC SỰ KIỆN TƯƠNG LAI

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom


SƠ LƯỢC CÁC SỰ KIỆN TƯƠNG LAI

 

Những sự kiện chính sẽ xảy đến trong tương lai là gì?

 

Theo quan điểm “Tiền Đại Nạn” và “Tiền Thiên Hy Niên” thì từ đây cho đến khi tín đồ Đấng Christ được vào sống ở trong “Trời Mới và Đất Mới” [Khải-huyền 21:1], thì có 9 sự kiện chính sẽ lần lượt xảy ra được kể như sau đây:

 

(1). Sự Cất Lên Của Hội Thánh (Rapture).
(2). Bảy Năm Đại Phước (The Seven Years Of Blessings)
(3). Bảy Năm Đại Nạn (The Seven Years Of Tribulation)
(4). Thế chiến Ha-ma-ghê-đôn (Armageddon World War)
(5). Cứu Chúa Tái Lâm (The Second Coming of Christ)
(6). Vương Quốc Thiên Hy Niên (The Millennial Kingdom)
(7). Mạt Nhật Đại Phiến Loạn (The Final Great Rebellion)
(8). Mạt Nhật Thẩm Phán (The Last Judgment)
(9). Thánh đồ được đem vào Thế giới mới.

 

Sơ lược về Đại sự kiện thứ nhất: Sự Cất Lên (Rapture)

 

Sự kiện chính thứ nhất sẽ xảy đến trong tương lai là việc Đức Chúa Jesus Christ ngự xuống không trung, tại giữa đám mây để tiếp Hội Thánh lên. Lúc ấy “sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời sẽ giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết” [1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16]. “Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.” [1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:17]. Về việc Đức Chúa Jesus Christ giáng xuống giữa đám mây, tại nơi không trung để đón Hội Thánh lên nầy, các nhà Thần học gọi bằng hai tên khác nhau. Một số nhà Thần học như Cụ Mục Sư John D Olsen thì gọi đó là “Sự Tái Lâm Chặng Thứ Nhất Của Đấng Christ”. Một số vị khác thì gọi đó là “Sự Tái Lâm Ẩn Nhiên Của Đấng Christ”. Còn đối với Hội Thánh thì đây là sự “cất” Hội Thánh lên không trung để gặp Ngài, cho nên Thần học gọi biến cố nầy là “Sự Cất lên” (The Rapture).

 

Sơ lược về Đại Sự kiện thứ hai: Bảy Năm Đại Phước (Seven Years Of Blessings)

 

Sự kiện chính thứ hai tiếp theo trong tương lai cho Hội Thánh sau khi được cất lên trời là Bảy Năm Đại Phước (The Seven Years of Blessings). Trong Bảy Năm Đại Phước nầy Hội Thánh sẽ tham dự vào 4 sự kiện long trọng:

(1). Ngôi Đoán Xét Của Đấng Christ (The Judgment Seat of Christ - The Bema) tức là “Tòa Bình Công Tưởng Thưởng” được thiết lập để xem xét và ban phần thưởng cho các Thánh đồ. Hội Thánh sẽ tham dự cuộc liên hoan nầy với lời mời chính thức từ Đức Chúa Trời. Mỗi Thánh đồ đã được cất lên đều là thành viên chính thức.
(2). Sau đó là “Tiệc Cưới Chiên Con” (The Marriage Supper of the Lamb) sẽ được tổ chức. “Tiệc Cưới Chiên Con” là Lễ Cưới của Đấng Christ với Hội Thánh Ngài, để dẫn Hội Thánh – trong tư cách Tân phụ, bước vào mối thông công trọn vẹn với Đức Chúa Jesus Christ trong tư cách là Chàng Rễ.
(3). Hội Thánh được tham dự vào Thánh lễ Thờ phượng trên trời, như đã được mô tả trong Sách Khải huyền đoạn 4.
(4). Hội Thánh được chứng kiến việc Chiên Con tiếp nhận Quyển Sách có đóng bảy ấn ở tay hữu Đấng ngự trên ngôi. (Khải-huyền 5:7), như được mô tả trong Sách Khải huyền đoạn 5.

 

Sơ lược về Đại Sự kiện thứ ba: “Bảy Năm Đại Nạn” (Seven Years Of Tribulation)

 

Đang khi “Bảy Năm Đại Phước” diễn ra trên trời, sự kiện chính thứ ba dưới đất là “Kỳ Đại Nạn” (The Great Tribulation), hay còn gọi là “Bảy Năm Đại Nạn” (Seven Years of Tribulation), vì giai đoạn nầy kéo dài 7 năm.

Các nhà Thần học căn cứ vào các lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên và sự mô tả trong Khải Huyền mà chia thời gian Đại Nạn làm hai kỳ, mỗi kỳ đúng ba năm rưỡi. Trong ba năm rưỡi đầu, các tai họa tuy khủng khiếp nhưng phần lớn qua các biến động của cõi thiên nhiên. Sang đến ba năm rưỡi sau, các khổ nạn càng lúc càng trở nên kinh hoàng, tai họa sẽ đạt đến cao điểm, do đến từ cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời.

Có tất cả 14 sự kiện lớn xảy ra trong Bảy Năm Đại Nạn, mà sau nầy chúng ta sẽ học chi tiết, được liệt kê như sau:

 

Trong ba năm rưỡi đầu, có những sự kiện sau đây:

(1). Tân La-mã Đế quốc được thành lập bởi sự liên minh của 10 nước lớn. Antichrist dấy lên từ liên minh đó, và nắm quyền thống lĩnh liên minh (Đa 2:40-44; 7:7-8, 19-25),
(2). Antichrist ký hiệp ước hòa bình và hữu nghị với Israel và với nhiều nước trên thế giới (Đa. 9:27a),
(3). Được bình yên và có được mối quan hệ hữu hảo với Antichrist, Israel xây dựng, hoặc tái thiết và mở rộng Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Nơi đây trở thành một trung tâm thờ phượng lớn lao và danh tiếng khắp hoàn vũ (Đan. 9:27, Khải. 11:1),
(4). Antichrist được Sa-tan trao uy quyền, ngôi vị, và quyền lực và trở thành lãnh tụ toàn cầu (Đa. 7:4-6, 24-25; Khải 13:1-2,7),
(5). Antichrist bị một sự thương tổn về quyền lực, nhưng nó khôi phục lại được một cách vẻ vang làm cho cả thế giới sợ hãi và tôn thờ (Khải 13:3,4,7).
(6). 144,000 Tôi tớ Đức Chúa Trời người Do thái được đóng ấn bảo vệ (Khải. 7:1-8). Họ được gìn giữ an toàn khỏi mọi tai nạn đổ xuống thế gian, cũng như được che chở khỏi mọi sự bách hại của Antichrist. Nhiều người tin rằng 144,000 người nầy sẽ là đội ngũ chứng-nhân chính và thường trực* trong suốt thời kỳ Đại nạn.
(7). Có hai chứng nhân đầy dẫy quyền năng đi nói tiên tri và làm chứng trên đất. Nhiều người tin Chúa (Khải 11:3-13)

 

Trong ba năm rưỡi sau, có những sự kiện sau đây:

 

(1). Sa-tan và Antichrist được cả thế giới đi theo, phục tùng, tôn vinh, và thờ phượng. Antichrist bắt đầu công khai bày tỏ sự phạm thượng, chống nghịch với Đức Chúa Trời (Đa 7:25; Khải 13:4-8).
(2). Antichrist hủy bỏ “Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị” đã ký với Israel (Đa 7:25; 9:27b), chiếm hữu và sử dụng đền thờ Giê-ru-sa-lem danh tiếng để làm nơi thờ phượng mình. Đó là sự kiện Antichrist làm ô uế tàn hại nơi thánh (Đa 9:27; 11:31,57; 12:11; Mat 24:15; Mác 13:14; 2Tê. 2:4; Khải. 13:15).
(3). Trong thế giới tang thương, Đức Chúa Trời tiếp tục bày tỏ ân điển và lòng nhân từ của Ngài. Ngài ra ơn che chở bảo bọc người Do thái bị Antichrist bách hại, phải trốn qua Jordan và các nước láng giềng (Mat 24:15-20; Khải 12:14-17). Đối cùng khối nhân loại giữa cơn đại nạn, Ngài sai “một vị thiên sứ khác bay giữa trời, có Tin Lành đời đời, đặng rao truyền cho dân cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng, và mọi dân tộc”* [Khải-huyền 14:6].
(4). Tiên tri giả, tức là con thú thứ nhì từ dưới đất lên, làm những phép lạ lớn, tuyên truyền, lừa dối các dân tộc và bắt toàn thế giới phải suy phục, tôn thờ Antichrist. Ai chống đối sẽ bị giết (Khải 13:5, 11-15).
(5) Dấu hiệu 666 của Con thú được ban hành. Tiên tri giả, tức là con thú thứ nhì từ dưới đất lên, cưỡng bách mọi dân tộc phải áp dụng: “Người nào không có dấu ấy, nghĩa là không có danh con thú hay số của tên nó, thì không thể mua cùng bán” (Khải 13:16-18).
(6). Bị xâm phạm niềm tin và lâm bước đường cùng, dân Do thái phản kháng. Chiến tranh Ha-ma-ghê-đôn bùng nổ. Y-sơ-ra-ên bị đại bại, Giê-ru-sa-lem bị xâm chiếm (Giô-ên 3:9-13; Khải 16:12-16; Xa 12:1-2; 14:1-2)
(7). Đức Chúa Jesus Christ tái lâm (Xa-cha-ri 14:4-5; Khải Huyền 1:7; 19:11-16). Dân Israel nhìn biết và kêu cầu Đấng Christ (Đấng Mê-si-a của họ). Kết quả họ được cứu rỗi (Xa-cha-ri 12:10-14; 12:1-2; Rô-ma 11:26-36) và được giải cứu (Ê-sai 63:1-6; Xa-cha-ri 12:9; 14:3-7;12-15; Ma-thi-ơ 23:39; Lu-ca 13:35). Ba-by-lôn, Đại dâm phụ, tức Hội thánh bội đạo, bị hủy phá và đoán phạt (Khải 17-18).

 

*Như vậy có 3 nhóm sứ giả rao truyền Tin lành trong Bảy Năm Đại Nạn, nhưng có thể gọi 144,000 Tôi tớ của Đức Chúa Trời là Lực lượng Chứng nhân Thường trực, bởi vì 2 Chứng nhân thì chỉ làm chứng trong ba năm rưỡi, và Vị Thiên Sứ Rao Truyền Tin Lành Đời Đời chỉ xuất hiện trong một thời gian.

 

Sơ lược về Đại sự kiện thứ tư: Sự Tái lâm của Đức Chúa Jesus Christ (The Second Coming of Christ)

 

Vào thời điểm cuối của “Bảy Năm Đại Nạn”, sự kiện chính thứ tư sẽ xảy ra là Sự Tái lâm của Đức Chúa Jesus Christ (The Second Coming of Christ).
Nếu kể sự kiện Đức Chúa Jesus Christ giáng xuống giữa đám mây, tại nơi không trung để tiếp rước Hội Thánh lên trời (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:17) trong bảy năm trước là “Chặng thứ nhất” của Sự Tái lâm, thì đây là “Chặng thứ hai”. Nếu gọi Hội Thánh được Cất Lên là “Sự Tái lâm cách Ẩn nhiên”, thì đây là “Sự Tái lâm cách Hiển nhiên”.

Dù gọi cách nào, đây là lần duy nhất Ngài tái lâm đến tận địa cầu. Chân Ngài đặt trên núi Ô-li-ve.

Ngài tái lâm lần nầy là để:

(1). Đánh tan Antichrist, hủy diệt đại binh nó, rồi bắt sống Antichrist và Tiên tri giả ném vào hồ lửa.
(2). Cứu cả dân tộc Israel đang bị hoạn nạn lớn dưới tay Antichrist, đang đại bại trong Chiến trận Ha-ma-ghê-đôn, và đem “cả nhà Y-sơ-ra-ên” về với Ngài (Rô-ma 11:26), rồi đem họ vào Vương Quốc Thiên Hy Niên.
(3). Giải cứu những kẻ tin còn sống sót (được cứu trong Bảy Năm Đại Nạn) khỏi tay bách hại của Antichrist, rồi đem họ vào Vương Quốc Thiên Hy Niên.
(4). Phục sinh tất cả các Thánh đồ thời Cựu ước, những người tử vì đạo trong suốt Bảy Năm Đại Nạn, rồi đem họ vào Vương Quốc Thiên Hy Niên.
(5). Xiềng Sa-tan trong 1000 năm để bảo vệ Vương Quốc Thiên Hy Niên.

 

Sơ lược về Đại Sự kiện thứ năm: “Vương Quốc Thiên Hy Niên” (The Millennium)

 

Sự kiện chính thứ năm tiếp sau đó là Đấng Christ sẽ thiết lập và cai trị “Vương Quốc Thiên Hy Niên” (The Millennium) hay còn gọi là “Thời kỳ Một Nghìn Năm Bình An” (One Thousand Years of Peace). Tất cả các Thánh đồ được cùng Ngài đồng trị trong đó.

Như vậy, dân sự của Vương Quốc Thiên Hy Niên sẽ bao gồm:

 

(1). Cộng đồng các Thánh đồ đã được Ngài đón lên không trung trong Sự Cất Lên (Rapture), và sau bảy năm ở trên trời đã cùng Ngài vừa trở lại mặt đất khi Ngài tái lâm.
(2). Cộng đồng những Thánh đồ đã được lên trời như Hê-nóc (Sáng Thế Ký 5:23-24; Hê-bơ-rơ 11:5) và những Thánh đồ đã phục sinh trong dịp Ngài chịu chết và sống lại (Ma-thi-ơ 27:50-53). Những người nầy đã ở nhiều năm với Ngài trên trời, bấy giờ cùng Ngài ngự xuống trong Sự Tái Lâm.
(3). Cộng đồng Thánh đồ thời Cựu ước, đã qua đời từ lâu, vừa được sống lại trong dịp Ngài tái lâm,
(4). Cộng đồng những người tin Đức Chúa Jesus Christ tử vì Đạo trong Bảy Năm Đại Nạn vừa được sống lại trong dịp Ngài tái lâm,
(5). Cộng đồng những người Do thái và Dân ngoại tin Chúa còn sống sót sau Bảy Năm Đại Nạn. Đây là một Cộng đồng đặc biệt, gồm những người mà thân thể chưa được biến hóa, còn ăn uống, cưới gả, sẽ sống và sanh con đẻ cháu trong Vương quốc Thiên Hy Niên.

 

Sơ lược về Đại Sự kiện thứ sáu: Mạt Nhựt Đại Phiến Loạn (The Final Great Rebellion)

 

Sự kiện chính thứ sáu sẽ xảy đến trong tương lai là Mạt Nhựt Đại Phiến Loạn (The Final Great Rebellion), do Sa-tan xách động ngay khi được thả ra sau một ngàn năm. Kinh Thánh đã chép như sau:


“Khi hạn ngàn năm mãn rồi, quỉ Sa-tan sẽ được thả, và nó ra khỏi ngục mình đặng dỗ dành dân ở bốn phương trên đất, dân Gót và dân Ma-gót; nó nhóm chúng lại để chiến tranh, đông như cát bờ biển. Chúng nó lên khắp các vùng rộng trên mặt đất, vây dinh thánh đồ và thành yêu dấu. Nhưng có lửa từ trên trời rơi xuống tiêu diệt chúng nó. Còn ma quỉ là đứa đã dỗ dành chúng, thì bị quăng xuống hồ lửa và diêm, trong đó đã có con thú và tiên tri giả rồi. Chúng nó sẽ phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời.” [Khải-huyền 20:7-10]

 

Sơ lược về Đại Sự kiện thứ bảy: Mạt Nhật Thẩm Phán (The Judgment Day)

 

Sự kiện chính thứ bảy sẽ xảy đến trong tương lai là Mạt Nhật Thẩm Phán (The Judgment Day).
Trong ngày cuối cùng đó, Đấng Christ sẽ lập “Ngôi Đoán Xét Lớn Và Trắng” (Great White Throne Judgment) để thực hiện “Sự Phán Xét Cuối Cùng” (The Final Judgments) hay còn gọi là “Mạt nhật Thẩm phán” (The Judgment Day). Về sự phán xét nầy Kinh Thánh có chép rõ:

“Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Đấng đang ngồi ở trên; trước mặt Ngài trời đất đều trốn hết, chẳng còn thấy chỗ nào cho nó nữa. Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy. Biển đem trả những người chết mình chứa; Sự chết và Âm phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm. Đoạn, Sự Chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa.” [Khải-huyền 20:11-15]